Ngày 12 tháng Giêng hàng năm, dân làng Cô Mễ tổ chức ngày giỗ Bà Chúa Kho, nhân dân thập phương sắp sửa lễ vật tiến dâng lên Bà xin lộc, cầu cho một năm mới bình an.
Ghi nhận của Người Đưa Tin sáng ngày 2/2 (tức ngày 12 tháng Giêng), dân làng Cô Mễ, phường Vũ Ninh (Thành phố Bắc Ninh) đã tiến hành tổ chức ngày giỗ Bà Chúa Kho.
Hàng nghìn người dân và du khách đổ về đền Bà Chúa Kho thắp hương, dâng lễ để “vay vốn” làm ăn hoặc xin “lộc rơi, lộc vãi” mong cho cả năm được thuận buồm xuôi gió.
Nhân dân thập phương sắp sửa lễ vật tiến dâng lên Bà sáng ngày 2/2. Trước khi vào làm lễ, một số người dân cho biết đã mua mâm lễ với dịch vụ trọn gói bao gồm mâm cỗ, có cả kèm người bưng mâm.
Thông tin với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Viện – Trưởng ban quản lý Khu di tích đình, đền, chùa khu Cổ Mễ (Tp.Bắc Ninh) cho biết, sau 2 năm dịch bệnh nhà đền phải đóng cửa. Năm nay dịch bệnh đã được kiểm soát nên dự kiến du khách thập phương sẽ đến đền Bà Chúa Kho rất đông.
“BQL di tích đã phối hợp với chính quyền địa phương, thực hiện phân luồng, điều tiết giao thông từ xa. Còn bên phía trong đền được bố trí nhân viên bảo vệ phối hợp với công an để đảm bảo an ninh, trật tự cho du khách đến làm lễ được thuận tiện và an toàn”, ông Viện nói.
Tại khu vực nhà sắp lễ có hàng trăm người gấp rút sắp lễ để dâng lên Bà Chúa Kho. Phần lớn người dân đến Bà Chúa Kho, chủ yếu là người buôn bán, kinh doanh đến cầu xin làm ăn gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Người dân quan niệm rằng, đầu năm đến làm lễ “vay tiền”, cuối năm quay lại “trả nợ” sẽ giúp việc kinh doanh, buôn bán được thuận lợi.
Vì vậy, trong những ngày đầu năm hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã đổ về đây sắm sửa lễ vật dâng Bà Chúa Kho, tùy theo mức độ “vay vốn” sẽ sắp lễ to hay nhỏ.
Người dân thành tâm tại khu vực cung chúa.
Người dân chấp tay, thành tâm vái lạy phía ngoài sân đền.
Tại khu vực ngoài sân đền luôn đông đúc người dân đứng chờ đợi để hạ lễ.
Càng về trưa, du khách từ khắp nơi đổ về đây càng đông đúc. Đền Bà Chúa Kho là một trong những di tích cổ kính gắn liền với hàng nghìn năm lịch sử của vùng đất Kinh Bắc. Từ lâu ngôi đền này đã đi vào tâm linh tín ngưỡng dân gian linh thiêng “sở cầu đắc cầu, sở nguyện đắc nguyện”.