Cơ cấu lao động sẽ chuyển dịch mạnh
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn huyện Cam Lâm và Tp.Cam Ranh.
Theo đề án, đô thị mới Cam Lâm được nghiên cứu phát triển trên phạm vi toàn huyện Cam Lâm và một phần Tp.Cam Ranh.
Với các tiềm năng, lợi thế của mình, đô thị mới Cam Lâm sẽ góp phần tạo ra đột phá, phát huy được tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh để trở thành một trung tâm thương mại – tài chính, ngân hàng, du lịch quốc tế, với tầm nhìn phát triển khu đô thị thông minh sinh thái hàng đầu thế giới…
Để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong vùng bị thu hồi đất trong thời gian tới, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án nói trên. Mục tiêu của đề án là giúp cho người lao động bị thu hồi đất trong quá trình đô thị hóa được học nghề, có việc làm, có thu nhập và cuộc sống tốt hơn.
Đồng thời, thực hiện đầy đủ và đồng bộ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động bị thu hồi đất với những chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Tp.Cam Ranh và huyện Cam Lâm. Đảm bảo cung cấp nhân lực qua đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Cụ thể, tổng số người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng do quá trình thực hiện đô thị hóa theo quy hoạch là 70.975 người. Trong đó, 26% lao động đã qua đào tạo và có bằng cấp chứng chỉ; 21,96% lao động trong độ tuổi 15-25; 26,31% lao động trong độ tuổi 26-35; 33,68% lao động trong độ tuổi 36-50 và 18,05% lao động trên 50 tuổi.
Theo thực trạng lao động cho thấy, số lao động có độ tuổi, trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu tuyển vào làm việc trong các doanh nghiệp là rất ít.
Đối với người lao động lớn tuổi, trình độ văn hóa thấp, không có chuyên môn kỹ thuật, chỉ quen với công việc làm nông, khả năng chuyển đổi ngành nghề mới và vào làm việc trong các doanh nghiệp cũng rất hạn chế.
Đồng thời, đối với lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp thì đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu để tạo công ăn việc làm. Do đó, việc thu hồi đất sản xuất để thực hiện quy hoạch đô thị mới Cam Lâm đã làm ảnh hưởng đến việc làm không chỉ trước mắt mà còn diễn ra có tính lâu dài.
Theo đề án, cơ cấu lao động sẽ chuyển dịch mạnh từ nông – lâm – ngư nghiệp sang khu vực dịch vụ – thương mại và công nghiệp – xây dựng. Khu vực dịch vụ, thương mại và du lịch sẽ trở thành nguồn chính của việc làm trong tương lai.
Lực lượng lao động này sẽ được tính toán trên cơ sở phát triển ngành dịch vụ, thương mại, du lịch và với năng suất lao động cao sẽ đòi hỏi nhiều nhất về lực lượng lao động có trình độ trung bình và cao so với các ngành khác.
Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức đào tạo nghề cho lao động bị ảnh hưởng để giải quyết việc làm chuyển đổi nghề nghiệp tập trung ở các nghề tài chính – ngân hàng, dịch vụ du lịch và nhà hàng – khách sạn để cung cấp lao động cho khu vực dịch vụ và du lịch; đào tạo các nghề công nghệ – kỹ thuật để phục vụ cho khu vực công nghiệp và xây dựng.
Bên cạnh đó, tỉnh này cũng chú trọng đào tạo các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp công nghệ cao cho các lao động ở nhóm có độ tuổi lao động cao để phát triển các nghề truyền thống, buôn bán, dịch vụ nhỏ lẻ và khu vực quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao.
Hỗ trợ người dân bị thu hồi đất
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, điều kiện hỗ trợ gồm người lao động bị thu hồi đất thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm khi còn trong độ tuổi lao động theo quy định hiện hành. Những lao động này được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất.
Người lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ một lần cho từng nội dung hỗ trợ gồm hỗ trợ đào tạo học nghề và hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Về mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng: Tối đa 3 triệu đồng/người bị thu hồi đất/khóa học (6 triệu đồng đối với người khuyết tật).
Bên cạnh đó, còn hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học và tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo cách xa nơi cư trú hơn 15 km (300.000 đồng đối với người khuyết tật nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên).
Ngoài mức hỗ trợ trên, người lao động bị thu hồi đất còn được hỗ trợ việc làm trong nước thông qua hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa. Doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh thuộc Khu đô thị Cam Lâm ưu tiên tuyển dụng lao động sau khi được đào tạo nghề.
Đối với đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ học phí cho một khóa học (tối đa không quá mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập theo quy định tại Nghị định số 81/2021 ngày 27/8/2021 của Chính phủ).
Ngoài ra, người lao động bị thu hồi đất được ưu tiên bố trí việc làm tại chỗ – nơi hộ gia đình có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án hoặc từ những hoạt động sử dụng vốn Nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn cấp xã thông qua chính sách việc làm công theo quy định.
Người lao động bị thu hồi đất còn được hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm theo Nghị định số 61/2015 ngày 9/7/2015 của Chính phủ với mức hỗ trợ vay vốn tối đa là 100 triệu đồng/người…
Theo đề án, dự toán kinh phí thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề là hơn 248 tỷ đồng. Dự kiến nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm khoảng 700 tỷ đồng gồm nguồn vốn địa phương và trung ương.
UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND huyện Cam Lâm, Tp.Cam Ranh triển khai thực hiện đề án. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện, định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh.
Xây dựng phương án hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng theo 7 mô hình
Tỉnh Khánh Hòa xây dựng 7 mô hình để hỗ trợ cụ thể cho người lao động bị ảnh hưởng. Bao gồm:
– Mô hình hỗ trợ đào tạo nghề dành cho lao động nằm trong độ tuổi từ 16-25.
– Mô hình hỗ trợ đào tạo nghề dành cho lao động nằm trong độ tuổi từ 26-35.
– Mô hình sinh kế khai thác trên biển cho các lao động ngư nghiệp.
– Mô hình sinh kế dành cho các lao động nằm trong độ tuổi từ 35-50.
– Mô hình sinh kế dựa vào phát triển các nghề truyền thống, buôn bán, dịch vụ nhỏ lẻ.
– Mô hình hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
– Mô hình hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo, hộ người đồng bào dân tộc thiểu số.
Châu Tường
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nguoi-dan-bi-thu-hoi-dat-o-do-thi-moi-cam-lam-duoc-hoc-chuyen-doi-nghe-a591945.html