Kết quả các cuộc thăm dò trước đó cho thấy đa số cử tri Pháp phản đối kế hoạch cải cách lương hưu, trong đó đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi, cũng như tăng các khoản đóng góp cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ.
Sau cuộc đình công quy mô lớn với hơn 1 triệu người lao động tham gia hôm 19/1, Chính phủ Pháp đã phát đi tín hiệu cho thấy có thể điều chỉnh một số biện pháp, bao gồm các ưu đãi đặc biệt dành cho những người bắt đầu làm việc từ khi còn rất trẻ, tăng hỗ trợ dành cho những bà mẹ phải nghỉ việc để chăm con hoặc những người mong muốn nâng cao trình độ học vấn.
Tuy nhiên, điều khoản về nâng độ tuổi nghỉ hưu không được đưa ra thảo luận. Thủ tướng Elizabeth Borne ngày 29/1 khẳng định “hiện, đây không phải vấn đề có thể đàm phán”.
Trong khi đó, những người đình công và người biểu tình có ý định đảo ngược dự luật này.
Đám đông người biểu tình đã tuần hành ở các thành phố và thị trấn bên ngoài Paris, trước một cuộc biểu tình lớn được lên kế hoạch vào hôm 31/1 (theo giờ địa phương) ở thủ đô của Pháp.
Trên hòn đảo nhỏ phía Tây Ouessant, ngoài khơi Brittany, khoảng 100 người biểu tình đã tập trung bên ngoài văn phòng của Thị trưởng Denis Palluel và tuần hành vào sáng 31/1.
Công ty đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) đã cảnh báo về sự gián đoạn hệ thống đường sắt lớn hôm 3/1 vì các cuộc đình công. Hành khách nên hủy hoặc hoãn các chuyến đi và làm việc từ xa nếu có thể.
Các cuộc đình công cũng xảy ra ở một số trường học và nhiều ngành khác. Đài phát thanh France Inter đã phát nhạc thay vì các chương trình buổi sáng thông thường và xin lỗi thính giả vì nhân viên đình công.
Giới quan sát nhận định, đối với Tổng thống Macron, cuộc đình công lần này như phép thử đối với khả năng tiến hành cải cách và giữ chi tiêu công trong tầm kiểm soát.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), là một trong những nước có độ tuổi nghỉ hưu thấp trong nhóm các nước công nghiệp, Pháp đang chi gần 14% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào trợ cấp lương hưu, nhiều hơn phần lớn những nước khác.
Việc điều chỉnh hệ thống trợ cấp hưu trí là trọng tâm trong chương trình cải cách của Tổng thống Macron khi ông lên nắm quyền vào năm 2017. Tuy nhiên, ông đã tạm hoãn thúc đẩy kế hoạch này vào năm 2020 khi Pháp phải ứng phó với đại dịch Covid-19.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VTV)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/phap-doi-mat-lan-song-dinh-cong-lien-quan-den-cai-cach-luong-huu-a591851.html