Theo hồ sơ vụ án, Nhượng sinh ra ở vùng quê nghèo khó ở Thanh Hóa. Học hết lớp 9, Nhượng bỏ học lên Hà Nội tìm việc làm thêm tại quán phở của ông Nguyễn Quốc Tuấn (43 tuổi, ở phố Kim Ngưu).
Ngày 30/7/2010, sau một thời gian dài bỏ việc, Nhượng quay lại về quán ông Tuấn xin tiếp tục được làm thuê, nhưng thực chất có ý định cướp tài sản. Tối cùng ngày, Nhượng cầm chai rượu lên tầng 2 nơi ông Tuấn đang nghỉ với mục đích đánh ngất ông chủ. Thấy ông Tuấn nằm ngủ trên giường, hắn xông vào đập mạnh vào mặt làm chai rượu vỡ. Cú đập đó khiến Nhượng cũng bị thương ở ngón tay. Nạn nhân kêu cứu, hắn lấy tấm kính trên mặt bàn đập liên tiếp vào người, đầu ông chủ…
Sáng hôm sau, 31/7, thi thể ông T. được người quen phát hiện trên tầng 2. Lúc này, hung thủ bỏ trốn với vết thương trên tay. Hắn lục trong cốp xe có khoảng hơn 2 triệu đồng. Nhượng bỏ xe máy và giấy tờ của nạn nhân lại rồi bắt taxi tới một bệnh viện để khâu vết thương. Ngày 1/8, Nhượng bị bắt tại bến xe Bắc Giang.
Cơ quan điều tra xác định đây là vụ án điểm, cần sớm hoàn thành kết luận điều tra để truy tố Nhượng với hành vi giết người, cướp tài sản nên chỉ sau hơn 1 tháng, Vi Văn Nhượng phải ra trước vành móng ngựa.
Tại phiên toà, bị cáo khai nhận do cần tiền tiêu xài và hắn đã nghĩ tới ông chủ cũ. Trước lúc gây án, để có can đảm hơn, hắn đã uống rượu. Số tiền lấy được của nạn nhân, Nhượng đi “chơi gái” và bị lột mất một khoản.
Trong phòng xử, gia đình bị hại đến khá đông. Họ không yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại mà đề nghị Tòa xử nghiêm minh hành vi giết người dã man của Nhượng.
Với hành vi giết người có tính côn đồ, truy cùng, giết tận, HĐXX nhận định cần phải loại bỏ vĩnh viễn Vi Văn Nhượng ra khỏi đời sống xã hội và đã tuyên phạt Nhượng án tử hình.
Trong lá thư viết trước giờ phút đền tội, tử tù 25 tuổi thể hiện rõ sự hối hận. Nhượng xúc động viết: “Bố mẹ yêu quý của con! Vậy là cái gì đến cũng phải đến, ngày đền tội của con đã đến rồi. Hôm nay con viết vài lời về tạm biệt bố, mẹ và em trai. Ngàn vạn lần con xin lỗi bố mẹ hãy tha thứ cho thằng con bất hiếu này. Con ân hận lắm bố, mẹ ạ. Nhưng ân hận thì đã quá muộn rồi… Bây giờ chỉ còn lại em và bố mẹ, vậy em hãy thay anh phụng dưỡng bố mẹ, em nhé”.
Thế Hào (T/h theo Dân trí, Zing)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ho-so-vu-an-sam-hoi-muon-mang-cua-ke-sat-nhan-a589102.html