noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiPháp luậtHành trình trốn chạy khỏi đất khách quê người của cô dâu...

    Hành trình trốn chạy khỏi đất khách quê người của cô dâu Việt

    Hám lợi, những kẻ buôn người sẵn sàng coi đồng loại như hàng hóa. Nạn nhân ở nơi đất khách vẫn không thôi nhung nhớ quê nhà, họ tìm đủ mọi cách để thoát….

    Sập bẫy lừa “việc nhẹ, lương cao”

    Theo thống kê của công an, mua bán người là tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao chỉ sau ma túy và vũ khí. Mua bán người được Liên Hợp Quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”.

    Đây là một trong những loại tội phạm hết sức nguy hiểm, xâm hại trực tiếp đến danh dự, uy tín, nhân phẩm và cướp đi tự do của công dân. Duy nhất chỉ có tòa án – cơ quan nhân danh Nhà nước mới có quyền hạn này, tuyệt nhiên quyền tự do cá nhân là bất khả xâm phạm.

    Vì động cơ vụ lợi cá nhân, bọn buôn người coi thường quyền công dân của người khác, coi đồng loại của mình như một thứ hàng hóa để trao đối, mua bán. Thế nhưng tội ác nào cũng phải trả giá đắt, điển hình như vụ án Hoàng Thị Loan (SN 1977, HKTT xã Yên Mỹ, Lạng Giang, Bắc Giang) và Nguyễn Thị Hương (SN 1985, HKTT xã Hồng Lạc, Sơn Dương, Tuyên Quang) phạm các tội Mua bán người và tội Mua bán trẻ em.

    Kết quả điều tra xác định: Năm 2012, các đối tượng Hà, Hồng (chưa xác định), Ninh Thị Lan và Hoàng Thị Loan sinh sống ở Trung Quốc nên biết đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ là phụ nữ Việt Nam. Từ đó, các đối tượng đã làm quen với Đặng Thị Hiền, Nguyễn Đức Thắng và Nguyễn Thị Hương rồi bàn nhau lừa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc bán lấy tiền chia nhau.

    Hiền, Thắng và Hương có nhiệm vụ tìm “con mồi” đưa sang Trung Quốc cho Loan. Còn Hà, Lan, Hồng có nhiệm vụ tìm “đầu ra” là những người đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ Việt Nam và trực tiếp đi bán. Hà là người chỉ đạo.

    Các đối tượng thỏa thuận ăn chia như sau: Người phụ nữ còn trẻ sẽ bán giá 50 nghìn Nhân dân tệ. Phụ nữ nhiều tuổi thì bán 30 – 40 nghìn Nhân dân tệ. Sau mỗi phi vụ, Hiền, Thắng và Hương sẽ được hưởng 5.000 Nhân dân tệ. Có nhiều đối tượng là nạn nhân của ổ nhóm mua bán người chuyên nghiệp này.

    Tháng 10/2013, Đặng Thị Hiền, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Thị Hương đã lừa chị Tạ Thị D. và chị M. (chưa xác định) sang Trung Quốc, bán với giá 50 nghìn Nhân dân tệ. Chị D. may mắn đã thoát được về nước.

    Tẩu thoát

    Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, luật sư Phan Thị Hồng (đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) không khỏi trăn trở và xót xa nhất cho trường hợp của 2 chị em ruột cùng lúc trở thành nạn nhân của bọn mua bán người. Đó là cháu N.T.M.L. (15 tuổi) và cháu N.T.K.N. (13 tuổi).

    Luật sư Hồng kể lại, hôm đó, chị em L. rủ nhau đi chơi, mua sắm quần áo, không may gặp đúng bọn lừa đảo. Với con mắt “cú vọ” chuyên đi “săn mồi”, mới liếc qua, Đặng Thị Hiền biết ai sẽ là nạn nhân của mình nên lập tức lân la làm quen với các cháu và bảo đang cần thuê người kiểm quần áo ở Bắc Giang với tiền công hậu hĩnh.

    Tưởng thật, L. và N. đã đồng ý đi theo và không ngờ rằng chỉ vài tiếng đồng hồ sau đã có mặt ở nước bạn, phải chịu cảnh tủi cực khi bị ép bán về làm vợ cho những người đàn ông Trung Quốc.

    Quá trình làm việc với nạn nhân, luật sư Hồng bị ám ảnh bởi sự tủi cực mà các cháu phải chịu đựng ở xứ người. Nhưng so với nhiều nạn nhân khác, L. và N. còn may mắn hơn bỏ trốn được về đoàn tụ cùng gia đình.

    Pháp luật - Hành trình trốn chạy khỏi đất khách quê người của cô dâu Việt

    Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm.

    Kể lại hành trình nạn nhân tẩu thoát được khỏi động buôn người, luật sư Hồng thốt lên: “Phải công nhận các cháu còn ít tuổi nhưng cũng khá thông minh khi dùng “khổ nhục kế” để chạy thoát khỏi những người chồng mua vợ bằng tiền”.

    Sau khi bị các “mẹ mìn” bán cho người Trung Quốc 19 tuổi để “làm vợ”, cháu L. đã khóc rất nhiều mặc dù gia đình người này cũng khá chiều chuộng và đối đãi với cháu tử tế. Duy chỉ có điều là họ luôn để mắt, canh giữ L. bởi biết cháu luôn muốn bỏ trốn.

    Biết nhà hàng xóm có máy tính, L. giả vờ thích chơi game và cứ nằng nặc đòi “chồng” dẫn sang đó chơi, nếu không thì L. khóc lóc, không chịu ăn uống. Người chồng đồng ý cho L. chơi nhưng lúc nào cũng kè kè bên cạnh. Thấy vợ ngoan hơn, chồng mua cho L. 1 chiếc máy tính để cô bé không phải sang chơi nhờ hàng xóm. Từ khi có máy, L. ngoan hơn hẳn, không khóc lóc đòi về, cũng chu toàn việc nhà cửa, nấu nướng, cơm ngon canh ngọt phục vụ gia đình chồng. Thế nhưng, tất cả những việc này đều là kế sách của L. hòng lấy niềm tin của họ.

    “Cứ khi có người ở bên cạnh là L. giả vờ thích thú những trò chơi điện tử. Nhưng khi ở một mình, cháu đã tìm hiểu và phát hiện ra hòm thư của 1 người Việt Nam đang sinh sống ở Trung Quốc. Thông qua người này, L. nhờ họ gửi giúp thông tin của mình về cho gia đình, là bên này cô vẫn bình an và sẽ sớm tìm cách trở về với bố mẹ”, luật sư Hồng nhớ lại.

    Những ngày sau đó, L. được chồng vui vẻ dẫn đi chợ. Không bỏ lỡ cơ hội, L. kịp ghi nhớ đường đi lối lại, may mắn hơn là phát hiện ra đồn công an Trung Quốc cách chỗ L. ở không xa. Hôm sau nữa, L. lại ngoan ngoãn, tìm cách để được chồng cho đi chợ, L. cố ý mua thêm bia và thức ăn. Tối đó, mọi người đều vui vẻ bên bữa cơm thịnh soạn do chính tay cô dâu Việt nấu nướng. L. chuốc cho chồng uống thật say.

    Không để tuột mất cơ hội quý báu, phòng L. ở trên tầng 2, chờ đêm xuống, cô quyết định tụt từ ống máng xuống đất rồi ba chân bốn cẳng chạy đến đồn công an Trung Quốc để nhờ sự giúp đỡ. Thế nhưng, do bất đồng ngôn ngữ, L. phải ở lại đồn công an khoảng 3 tháng, đến tận tháng 3/2014 mới được về Việt Nam.

    Còn về phần cô em tên N. có phần tủi cực, gian truân hơn khi mà bị “sang tên, đổi chủ” tới 8 lần, bị 4 gia đình có hành vi xâm hại tình dục. May thay, gia đình người Trung Quốc cuối cùng mua N. thì lại có thái độ quý mến, chiều chuộng N.. Họ còn dạy N. tiếng Trung và đào tạo để bán hàng. Tuy nhiên, không lúc nào N. thôi nhớ về gia đình và luôn nung nấu ý định bỏ trốn. N. cũng tỏ ra ngoan ngoãn, vâng lời nhà chồng để tạo lòng tin. Mặt khác, N. cố gắng liên hệ với bạn bè và những người Việt Nam trong thời gian N. đi bán hàng về đường đi lối lại. Khi có cơ hội, N. lập tức bỏ trốn, men theo đường tiểu ngạch. Cuối cùng đến tháng 10/2014, cháu bé cũng được về đoàn tụ cùng gia đình.

    Từ những vụ án đã tham gia, luật sư Phan Thị Hồng chia sẻ để người dân, nhất là cô gái trẻ đề cao cảnh giác.

    N.T

    Các đối tượng trong đường dây mua bán người đã phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Riêng 2 đối tượng Hoàng Thị Loan và Nguyễn Thị Hương bị cơ quan chức năng bắt được ở giai đoạn sau và cũng phải trả giá cho hành vi trái pháp luật của mình.

    Nhằm răn đe, giáo dục tội phạm, TAND Tp.Hà Nội đã phạt Hoàng Thị Loan và Nguyễn Thị Hương cùng mức án 8 năm tù về tội Mua bán người; 12 năm tù về tội Mua bán trẻ em. Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội danh, Loan và Hương mỗi người phải chấp hành bản án 20 năm tù.

     

     

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU