“Quanh ta có phép màu” chính là thông điệp của chương trình Gala kỷ niệm 15 năm chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) phát sóng vào đúng đêm 30 Tết Quý Mão (ngày 21/1) trên VTC.
Gala kỷ niệm 15 năm hoạt động thiện nguyện Tìm kiếm và đoàn tụ người thân NCHCCCL được kể vào thời khắc giao thừa chính là câu chuyện của 10 đại gia đình đang đếm từng giây, từng phút để được gặp mặt, và kịp đưa người thân xa cách về đón cái Tết đoàn viên đầu tiên sau từ 23 đến 68 năm chia ly.
Những câu chuyện chia ly được kể đan xen với những bài hát được các nghệ sĩ trân trọng, đồng cảm đã viết tặng riêng cho chương trình như: nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, nhạc sĩ Kỳ Phương, nhạc sĩ Trần Minh Thuận, ca sĩ Hồng Hạnh, ca sĩ Thanh Ngọc, Nghệ sĩ Piano thần đồng Rumani Iulian Ochescu, nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân,…
5 câu chuyện chia ly – đoàn tụ diễn ra trong Gala, tiêu biểu cho những dạng ly tán thường gặp nhất trong NCHCCCL.
Mở đầu là câu chuyện ly tán vì chiến tranh, nghèo đói. Một cuộc chia ly rất dài, từ những năm 1950 của thế kỷ trước, cơ hội ruột thịt gặp nhau vô cùng hãn hữu. Nhân vật chính cụ Nhiễu – bà cụ tha hương, không hề còn chút hy vọng gặp lại người thân.
Sẽ không thể có giây phút diệu kỳ, nếu bà không gặp được chị Diệp một cô gái tốt bụng. Ký ức theo bà Nhiễu hơn nửa cuộc đời là những cái tên như ba Thẳng, mẹ Tình, các anh chị em là Hàn, Lụa, Thao, Đừng, Út,….
Bà nhớ mình sinh ra ở vùng đất Quảng Ngãi với ngôi gần nhà có sông, đi thật xa thì gặp ga tàu, gần nhà có lò đường mía mà ba bà từng làm ở đó.
Vậy thôi chứ không biết xã nào, huyện nào hết. Một ngày bà theo mấy người bạn ra ga, leo lên tàu chơi, đoàn tàu lăn bánh và dừng lại tại Sài Gòn. Những đứa trẻ đó cũng tứ tán, mà bà Nhiễu cũng chưa lần nào được gặp lại.
Gần cả cuộc đời tha hương, những tưởng chuyến đi này bà chỉ có thể gặp lại các cháu, nhưng bà Nhiễu vẫn còn may mắn được gặp lại người chị Năm Thao, em kế Chín Điểu, khi họ đều đã bước vào tuổi 80.
Câu chuyện thứ 2 về một người đàn ông gần 70 mà vẫn không biết quê hương của mình ở đâu, vì cha đi lính, dẫn vợ con qua hết trại gia binh này đến nơi đồn trú khác.
Mẹ mất, không nuôi nổi 4 con, cha gửi con trai cho người ta đưa lên xe vào thành phố. Ông đăng ký tìm anh chị em, tìm quê hương, họ hàng, chỉ biết mình họ Danh tên Thon, người Khmer.
Những cái tên như cha Danh Nghĩa, nhưng hình như mẹ tên là Danh Chừ, anh Danh Bon, 2 chị gái mà ông không nhớ tên. Kỷ niệm mà luôn theo ông đó là vào dịp lễ hội gì đó thì cha phát cốm dẹp cho mấy chị em và bảo nhìn trăng rồi ăn.
Với những thông tin đó, đội tìm kiếm của chương trình NCHCCCL đã khoanh vùng tìm kiếm và tìm được chị và em gái ông hiện đang sống tại tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. Sau bao năm ly tán, ba đã mất, họ vẫn luôn nghĩ về người thân của mình.
3 cuộc đoàn tụ còn lại là của những đứa trẻ lạc khiến không ít người rơi nước mắt. Những câu chuyện thất lạc trong thời bình.
Anh Dũng theo cha lên Tp.HCM lúc 5 tuổi, khi cha nói chuyện với người quen thì anh mải đi chơi rồi thất lạc đến ngày nay. Người cha trở về với nỗi đau chưa bao giờ thôi tự trách vì mình mà con thất lạc. Một vài chuyến đi tìm con không được, ông bầu bạn với rượu cho tới ngày mất.
Về phần Dũng, lớn lên trong một mái ấm, có đôi lần cũng không còn muốn tìm gia đình vì thất vọng.
Cho đến những ngày cả nước chống dịch, khi sự sống và cái chết cách nhau gang tấc, thì khát vọng tìm gia đình của mình lại càng cháy bỏng hơn. Và may mắn đã mỉm cười với anh, khi mẹ và rất đông người thân của anh đã từ tỉnh Phú Yên vào đón anh về.
Câu chuyện của anh Huỳnh Quang Dư – tức Sơn với mặc cảm trẻ mồ côi, mà anh ghi trên vách để không bao giờ quên được nguồn cội của mình. Anh nhớ mình có thể thất lạc vào năm 1980, khoảng 7-8 tuổi, anh leo lên 1 chiếc xe than, gọi là xe đầu heo.
Đi một buổi sáng thì xuống xe, rồi được nhận nuôi, lớn lên thì sống cũng quanh quẩn ở chỗ đó. Anh cũng nhiều lần đi ngược lại đường cũ theo trí nhớ của mình để tìm lại người thân, nhưng may mắn chưa mỉm cười với anh cho đến ngày hôm nay.
Với sự khoanh vùng tìm kiếm từ chi tiết cộng đồng người Hoa mà anh nhớ được, đó cũng là chìa khoá để đội viên đội Tìm kiếm có thể giúp anh trở về với gia đình của mình.
Những thông tin như chị Gái Lớn với bàn tay 6 ngón, anh Ba, anh Sang, anh Hồng, em Long… những người anh em ruột thịt của anh, họ vẫn sống ở chỗ cũ để đợi anh trở về. Chỉ 15km với một chuyến xe mà 42 năm sau anh Sơn mới có thể trở về.
Đứa trẻ cuối cùng được trở về nhà là chị Lý bị ly tán với người thân từ năm 1991-1992, khi đi chăm mẹ ở Bệnh viện Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Khi nghe tin mẹ không qua khỏi, chị sợ quá bỏ chạy.
Từ đó, chị không còn biết 2 em trai nhỏ của mình ở đâu, ai nuôi. Lớn lên cũng cơ cực, không ít lần chị nghĩ mình dại dột, vì nghe tin mẹ mất mà bỏ đi để lại 2 người em bơ vơ.
Hơn 30 năm, dù đã có một gia đình yên ấm, ngày ngày đi làm công nhân cho một xí nghiệp nhưng chưa bao giờ chị thôi áy náy về 2 người em trai của mình.
Chị có biết đâu từ ngày chị đi, mẹ chị cũng chưa bao giờ thôi tìm kiếm. Bà không mất như lời ai đó đã nói với chị. Hiện, bà đang sống cùng người em trai tên Hậu mà chị đăng ký tìm kiếm suốt thời gian qua.
Gala NCHCCCL khép lại bằng bài hát Quanh ta có phép màu do nhạc sĩ Kỳ Phương và ca sĩ Hồng Hạnh biểu diễn như một lời chúc mừng cho những cuộc đoàn tụ đã kịp trở về cùng gia đình vào dịp năm mới.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/phep-mau-xuat-hien-trong-dem-gala-15-nam-nhu-chua-he-co-cuoc-chia-ly-a590929.html