Cộng hòa Peru là quốc gia nằm ở phía Tây Nam Mỹ, đồng thời là quê hương của một trong những nền văn minh lâu đời nhất trên thế giới. Người Peru có nhiều lễ hội và phong tục tiêu biểu, chứa đựng những yếu tố mê tín để tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới với niềm hy vọng ấp ủ.
Trong đêm Giao thừa, người Peru có thói quen ghé thăm một cửa hàng tạp hóa. Thông thường, họ chọn một vài quả chanh, một túi đậu lăng, một ít lúa mì và một vài que quế. Tuy nhiên, những nguyên liệu này không phải để làm thực đơn phục vụ cho bữa ăn mà đó chỉ là cách thức để đạt được sự thành công trong năm tới. Người dân xứ núi Andes thường chạy xung quanh nhà với một vali, cặp xách, hoặc ba lô (dành cho những chuyến du lịch) trống rỗng vào lúc nửa đêm, với hy vọng sẽ may mắn có cơ hội được đi thăm thú nhiều nơi trong năm tới. Sau vòng thứ nhất, họ lại chạy xung quanh nhà lần nữa nhưng theo chiều ngược lại.
Người Peru có phong tục mở cửa để chào đón năm mới vào nhà mình. Tuy nhiên, họ mong muốn đối tượng bước qua ngưỡng cửa vào nhà đầu tiên từ đường phố là một hoặc nhiều người đàn ông. Người dân bản địa quan niệm rằng, một người phụ nữ “xông nhà” dịp Tết thì họ sẽ không may mắn trong cả năm đó.
Đặc biệt, để chuẩn bị đón chào năm mới, trong những ngày cuối cùng của năm, người dân Peru lại tham gia một lễ hội có tên Ta-ka-na-kuy, hay còn được gọi một cách dân dã là lễ hội đánh nhau.
Người dân sẽ chào đón năm mới bằng cách mắng chửi và đánh nhau dưới sự chứng kiến của chính quyền để đảm bảo không có ai bị thương khi một ai đó có hành động quá khích.
Họ tin rằng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay là một cách để xóa bỏ hiềm khích trong năm cũ, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết trong năm mới. Mặc dù mang hơi hướng bạo lực, phong tục này luôn kết thúc trong sự hân hoan thân mật và đoàn kết giữa mọi người để cầu chúc cho một năm mới bình an. Bởi những người tham gia chỉ sử dụng lực đánh nhẹ, không nhắm trúng đích, tránh gây đau đớn cho đối phương.
Sau khi một hiệp đấu kết thúc, cả hai bên sẽ ôm nhau và chúc nhau thành công trong năm mới. Tại một số vùng của Peru, các cuộc thi “đấu đá” được tổ chức hàng năm, mọi người đều có thể tham gia, và các cuộc thi này thường kết thúc một cách dễ chịu.
Quốc Tiệp (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/doc-la-phong-tuc-danh-nhau-de-don-nam-moi-o-peru-a588174.html