noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThế giớiKinh tế Đông Nam Á 2023: Vượt những “cơn gió ngược”

    Kinh tế Đông Nam Á 2023: Vượt những “cơn gió ngược”

    Dù các “cơn gió ngược” khiến ASEAN giảm tốc trong ngắn hạn, nhưng trong trung và dài hạn, đây vẫn sẽ là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới.

    Các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á phải hứng chịu 3 “cơn gió ngược” mạnh mẽ trong năm 2022, bao gồm tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản và chính sách zero-Covid cứng rắn ở Trung Quốc, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay nâng lãi suất để kiềm chế đà tăng của lạm phát, và cuộc xung đột Nga-Ukraine.

    Hai trong số 3 “cơn gió ngược” trên có thể sẽ đảo chiều thành những “cơn gió lành” trong năm 2023, trong khi giao tranh giữa Nga và Ukraine vẫn là ẩn số mang lại nhiều điều không chắc chắn.

    Trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, các nhà kinh tế dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á có thể suy yếu trong nửa đầu năm 2023, nhưng tựu chung lại, khu vực này có thể sẽ tiếp tục là điểm sáng trong một thế giới đang bước dần vào suy thoái.

    Giảm tốc trong ngắn hạn

    Ông John Woods, giám đốc đầu tư khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ), kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế ASEAN-6 – bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam – sẽ ở mức vừa phải, với mức trung bình 4,4% trong năm 2023, thấp hơn so với mức dự báo trước đó là 5,6% khi cú hích mở cửa trở lại thời kỳ hậu đại dịch nhạt dần.

    “Ở nhiều khía cạnh, châu Á sẽ dành phần lớn thời gian của năm 2023 để học cách chấp nhận các lực lượng kinh tế và tài chính được giải phóng trong năm 2022”, ông Woods nhận định.

    Vị chuyên gia lưu ý rằng việc các Ngân hàng Trung ương lớn trên toàn cầu tiếp tục nâng lãi suất ít nhất là cho đến hết quý I/2023 sẽ gây áp lực lên lãi suất trong khu vực Đông Nam Á và biến động tiền tệ sẽ vẫn ở mức cao.

    “Do đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực có thể sẽ chậm lại và ổn định vào cuối năm”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng các nhà đầu tư nên cảnh giác với các tài sản rủi ro.

    Thế giới - Kinh tế Đông Nam Á 2023: Vượt những “cơn gió ngược”

    ASEAN có khả năng trở thành tâm điểm của sự chuyển đổi kinh tế toàn cầu trong những năm tới. Ảnh: Business Times Singapore

    Ông Andrew Tilton, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ chậm lại với sự giảm tốc liên tiếp đáng kể trong nửa đầu năm 2023.

    Các lực cản chính bao gồm cú hích mở cửa trở lại thời kỳ hậu đại dịch đang nhạt dần khi hầu hết các nền kinh tế đều thoát khỏi các hạn chế liên quan đến Covid-19 và trở lại bình thường; tăng trưởng toàn cầu giảm xuống còn 1,8% trong năm 2023, từ mức ước tính 2,9% trước đó; suy thoái chu kỳ công nghệ; điều kiện tài chính chặt chẽ hơn; và tác động của lạm phát cao hơn và lãi suất cao hơn đối với thu nhập hộ gia đình và các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất.

    Theo ông Tilton, các nền kinh tế nhỏ và mở như Singapore và Malaysia có thể sẽ chậm lại nhiều nhất do mối liên hệ của họ với tăng trưởng toàn cầu và chu kỳ công nghệ, trong khi Thái Lan có thể là nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á có khả năng chống lại xu hướng giảm tốc khi ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, chi phí vận chuyển toàn cầu thấp hơn, và lực cản hàng hóa giảm dần.

    GDP thực tế của Thái Lan được dự đoán sẽ tăng 4% vào năm 2023, từ mức 3,5% vào năm 2022. Ở Việt Nam, Goldman Sachs kỳ vọng mức tăng trưởng 5,8% vào năm 2023, giảm so với mức 7% trong năm 2022.

    Đối với Philippines, tăng trưởng GDP thực tế của nước này có thể ở mức vừa phải 5,8% vào năm 2023, từ mức 7,2% trong năm 2022, do chính sách thắt chặt và chính phủ cắt giảm chi tiêu đầu tư. Tăng trưởng GDP ở Indonesia được dự báo sẽ giảm xuống 4,4% vào năm 2023, từ mức 5,2% trong năm 2022.

    Thế giới - Kinh tế Đông Nam Á 2023: Vượt những “cơn gió ngược” (Hình 2).

    Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2023 của quốc gia Đông Nam Á này ở mức 6,6%. Ảnh: Khmer Times

    Tăng trưởng trong dài hạn

    Trong một báo cáo công bố gần đây, công ty dịch vụ tài chính S&P Global (Mỹ) dự báo, Đông Nam Á sẽ chứng kiến xuất khẩu trở thành lĩnh vực kém sôi động nhất trong năm 2023 trong bối cảnh kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn và dự báo về sự suy giảm ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

    “Sau sự khởi sắc trong năm 2022, đà tăng trưởng xuất khẩu của ASEAN sẽ chậm lại vào năm 2023, đáng chú ý là do tăng trưởng yếu hơn ở Mỹ và EU, hai khu vực chiếm khoảng 1/4 xuất khẩu của ASEAN”, ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại S&P Global Market Intelligence, cho biết.

    Nhưng theo ông Biswas, tác động của việc xuất khẩu yếu có thể sẽ được giảm thiểu nhờ sự tăng trưởng liên tục của nhu cầu trong nước và sự phục hồi dần dần của du lịch quốc tế ở Đông Nam Á.

    Thế giới - Kinh tế Đông Nam Á 2023: Vượt những “cơn gió ngược” (Hình 3).

    Xe tải xếp hàng dọc Đường 10 tại Cảng North Harbor ở Manila, Philippines, ngày 15/9/2022. Ảnh: The Philippine Star

    Khi nói đến rủi ro đối với triển vọng của ASEAN, vị chuyên gia của S&P Global cho rằng cần xét đến khả năng nền kinh tế Trung Quốc đại lục tiếp tục tăng trưởng chậm chạp vào năm 2023 do hậu quả của các biện pháp hạn chế Covid-19 mà nước này áp đặt trong suốt 3 năm đại dịch và mới chỉ được dỡ bỏ từ đầu tháng 1.

    Trung Quốc đại lục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ASEAN trong 12 năm qua, với ước tính 16% thị phần xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài của khu vực. Ngoài ra, thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm thêm 7% kim ngạch xuất khẩu của ASEAN.

    Trong trung và dài hạn, ông Biswas đánh giá rằng ASEAN sẽ vẫn là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới: GDP của ASEAN tính theo đồng USD danh nghĩa được dự báo sẽ đạt 6,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030, từ mức 3 nghìn tỷ USD vào năm 2020.

    “Trong thập kỷ tới, khu vực ASEAN sẽ là một trong 3 động lực tăng trưởng chính của khu vực APAC (Châu Á-Thái Bình Dương), cùng với Trung Quốc và Ấn Độ” ông cho biết.

    Thế giới - Kinh tế Đông Nam Á 2023: Vượt những “cơn gió ngược” (Hình 4).

    Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có quy mô lớn hơn Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ về Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ảnh: Caixin Global

    Ngoài ra, thị trường tiêu dùng đang phát triển của ASEAN sẽ khiến khu vực này trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi các công ty đa quốc gia thiết lập năng lực sản xuất và dịch vụ để khai thác nhu cầu nội địa trong khu vực.

    Cùng với đó, động thái của các công ty đa quốc gia nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau sự gián đoạn do thiên tai, đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine, cũng sẽ hỗ trợ dòng vốn FDI vào Đông Nam Á.

    Đặc biệt, Đông Nam Á cũng sẽ được hưởng lợi từ tư cách thành viên của các hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bao gồm các quy tắc xử lý xuất xứ thuận lợi giúp xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất trong khu vực.

    “Do đó, triển vọng dài hạn cho khu vực ASEAN vẫn rất thuận lợi trên nhiều lĩnh vực công nghiệp sản xuất và dịch vụ”, ông Biswas kết luận.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU