Bác sĩ điều trị Trần Huyền Trang – khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mong sang năm mới, bản thân và các nhân viên y tế có sức khỏe dồi dào để tham gia công tác điều trị cho bệnh nhân.
Lần trực Tết khó quên
Tết đến Xuân về, khi mọi người quây quần vui vẻ bên gia đình, các y bác sĩ vẫn phải làm việc bình thường, thậm chí còn bận rộn, tất bật và căng thẳng hơn, chạy đua với thời gian để giành lại mạng sống cho người bệnh. Chia sẻ về chuyện trực Tết, bác sĩ điều trị Trần Huyền Trang – khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kể chị bắt đầu trực Tết trên cương vị bác sĩ từ năm 2015, tính đến nay đã 7 năm.
“Thời sinh viên, tôi cũng đã từng tham gia trực nhưng cảm giác rất khác so với hiện tại. Lần đầu tiên trực trên cương vị bác sĩ, tôi chuyển từ vị trí nghe theo sự sắp xếp của người khác thành người tự quyết định, dĩ nhiên sẽ cảm thấy có nhiều trách nhiệm hơn và có nhiều cảm xúc khó tả. Ở buổi trực Tết đầu tiên, tôi cảm thấy hơi khẩn trương hơn một chút và có nhiều điều cần ghi nhớ hơn”, bác sĩ Trang cho hay.
Chọn và gắn bó với ngành Y, bác sĩ Trang và các đồng nghiệp đều xác định trước tinh thần là chắc chắn phải trực Tết. Sau nhiều năm, nữ bác sĩ hiện đã quen với việc có 1 – 2 ngày không thể ở bên gia đình khi Tết đến. May mắn là vợ chồng bác sĩ Trang làm cùng ngành, gia đình hai bên cũng rất cảm thông.
Nữ bác sĩ tâm sự: “Có những năm chúng tôi không đón giao thừa và mùng Một Tết ở nhà. Cũng có những năm thay vì đợi con cháu trở về sum họp như truyền thống, bố mẹ lại lên Hà Nội và đón Tết cùng gia đình tôi.
Thực ra ở viện tôi có rất nhiều bác sĩ ở Hà Nội chủ động xin trực vào ngày 30 và mùng Một Tết để đồng nghiệp ở xa có điều kiện về với gia đình. Mọi thứ giờ như một thói quen, kể cả việc trực Tết, không còn quá buồn hay xao xuyến như trước nữa”.
Với bác sĩ Trang, có lẽ lần trực Tết tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 là lần khó quên nhất. Cuối năm 2021, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 được thiết lập tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai (Hà Nội), là cơ sở 2 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Làm việc tại đây từ tháng 11/2021 đến tháng 7/2022, bác sĩ Trang và những y bác sĩ khác đã nỗ lực hết sức để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Theo lời kể của bác sĩ Trang, ở thời điểm đỉnh dịch vào tháng 2-3/2022, số bệnh nhân có thể lên đến 300 người.
“Thời điểm cuối năm 2021, tình hình dịch phức tạp, gần như các nhân viên y tế đều trải qua thời gian đón Tết tại Bệnh viện. Riêng tôi trực đêm 30 Tết. Lúc này, dịch đang đạt đỉnh, mọi người đều chung sức, đặt tình cảm riêng tư và nỗi lưu luyến gia đình sang một bên để chung tay điều trị cho bệnh nhân nặng.
Với tôi, điều ám ảnh nhất là còn nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ chưa tiêm phòng và nhiều người cao tuổi bệnh nền quá nặng dẫn đến tử vong dù đã được tận tình cứu chữa”, bác sĩ Trang nhớ lại.
Mong có đủ sức khỏe để điều trị cho bệnh nhân
Theo bác sĩ Trang, lịch trực Tết của các y bác sĩ thường phụ thuộc vào lịch nghỉ Tết Nguyên đán của Nhà nước. Vì không dư dả thời gian nên nữ bác sĩ tranh thủ sắm Tết từ sớm và cố gắng làm sao để chuẩn bị mọi thứ đầy đủ nhất.
Chị chia sẻ, số lượng bệnh nhân ngày Tết không ít đi mà còn có xu hướng tăng lên. Các bác sĩ tiếp nhận rất nhiều trường hợp gặp vấn đề liên quan đến đường ruột do khi Tết đến, mọi người nghỉ xả hơi sau một năm dài làm việc, nhiều khi ăn uống không được lành mạnh hoặc sử dụng chất cồn, chất kích thích. Đáng chú ý, tai nạn giao thông xảy ra rất nhiều vào dịp Tết.
“Chúng tôi phải lên tinh thần cho nhau rằng những ngày Tết là những ngày rất vất vả khi mà số lượng bệnh nhân và người bệnh nặng tăng lên nhưng số lượng nhân viên y tế vào dịp tết vẫn như vậy. Vào những ngày Tết, dù muốn hay không, các nhân viên y tế phải ở lại để tham gia công tác điều trị, khám chữa bệnh cho bệnh nhân nên đều cảm thấy xao xuyến.
Để động viên y bác sĩ, Bệnh viện cũng chuẩn bị hoa đào, quất, đồ chúc mừng nhằm tạo không khí đón Tết. Bên cạnh đó, theo truyền thống hàng năm, vào đêm giao thừa, toàn bộ lãnh đạo Bệnh viện cũng đến chúc mừng các y bác sĩ trong Khoa và “lên dây cót tinh thần” để mọi người bớt buồn khi không được ở bên gia đình đón năm mới”, bác sĩ Trang nói.
Làm việc tại khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, mỗi ngày, bác sĩ Trang và đồng nghiệp chứng kiến rất nhiều trường hợp đặc biệt, chuyện sinh ly tử biệt xảy ra thường xuyên ở đây. Chị từng thấy bệnh nhân buộc phải nằm viện, thậm chí đi mổ giữa đêm 30 Tết, hoặc những trường hợp nặng phải về ngay trong đêm 30. Đó là những trường hợp rất đau buồn, thay vì vui vẻ đón Tết lại thành ngày gia đình tưởng nhớ người đã mất.
Dù công việc vất vả, áp lực như vậy nhưng bác sĩ Trang vẫn luôn yêu nghề và hết lòng với bệnh nhân. Tết Nguyên đán 2023 sắp đến, chị hy vọng mọi người ý thức được sức khỏe của bản thân, giữ gìn sức khỏe cho toàn thể gia đình để có cái Tết an toàn và vui vẻ, tránh việc phải nhập viện vào dịp Tết.
Bên cạnh đó, nữ bác sĩ cũng mong mọi người hạn chế sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, chất kích thích, chú ý an toàn khi tham gia giao thông. Nếu để tai nạn xảy ra đúng dịp Tết đến xuân về thì rất đáng tiếc. Về phía bản thân, bác sĩ Trang hy vọng sang năm mới, chị và toàn bộ nhân viên y tế sẽ có sức khỏe dồi dào để tiếp tục công tác điều trị cho bệnh nhân.
Bác sĩ Trang tâm sự: “Tôi không phải bác sĩ phẫu thuật nhưng chuyện bác sĩ ở trong phòng phẫu thuật cho người bệnh, bên ngoài giao thừa qua từ lúc nào không biết xảy ra thường xuyên. Có những trường hợp rất đặc biệt, ca mổ phức tạp kéo dài đến gần 10 tiếng và qua cả giao thừa. Có những ca, bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ từ Khoa tôi, khi tôi gặp lại bác sĩ phẫu thuật thì đã là 5h sáng hôm sau”.
Đinh Kim
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chuyen-truc-tet-cua-nu-bac-si-tre-khoa-cap-cuu-va-hoi-suc-tich-cuc-a589720.html