Ngày 5/1, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Lê Hồng Vinh – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An dẫn đầu cũng tiến hành kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng hàng hóa, giá cả thị trường cho dịp Tết Nguyên đán 2023 tại các siêu thị, chợ, kho hàng trên địa bàn Tp.Vinh.
Theo đó, tại Nghệ An, các đơn vị phân phối như Công ty Cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Nghệ An, Công ty TNHH TM Nam Long, hệ thống các siêu thị: Big C, MM Mega Market, Winmart,… và trung tâm thương mại, các nhà phân phối hàng hóa và các chợ trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết.
Các doanh nghiệp này, cam kết nguồn cung luôn dồi dào, giá bán các mặt hàng thiết yếu vẫn sẽ ổn định vào dịp Tết. Đặc biệt là đối với một số mặt hàng có nhu cầu tăng cao như: Thực phẩm tươi sống (thịt bò, thịt gà, rau, củ quả..), công nghệ phẩm (bánh, kẹo, bia rượu, nước giải khát…) với tổng lượng hàng hóa dự trữ đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại chợ Vinh, hầu hết các loại hàng hóa đều phong phú, đa dạng, lượng hàng dồi dào, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa. Hiện chợ Vinh được quy hoạch với 3.200 hộ kinh doanh và được chia thành các khu vực chính. Đó là khu vực phía Đông với 35 ngành hàng; khu vực đình chính chợ có 21 ngành hàng và khu vực phía Tây có 40 ngành hàng, chủ yếu bán các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ Tết Nguyên đán.
Theo đó, vào thời điểm này, giá thịt lợn bán ở chợ có giá 70.000 đồng/kg, thịt bò với giá 170.000 đồng/kg; bánh kẹo các loại được bán với dao động từ 40.000-60.000 đồng/kg… Tuy nhiên, nhiều chủ của hàng ở chợ cho biết, thời điểm này lượng khách mua hàng Tết còn ít.
Qua kiểm tra, Công ty TNHH Nam Long, doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn Tp.Vinh thông tin, từ tháng 11/2022, công ty có 110 tỷ tiền hàng gồm nhiều nhu yếu phẩm như mì tôm, dầu ăn, đường, gia vị…được cung ứng ra thị trường. Hiện nay, hơn nhiều xe vận tải của doanh nghiệp tiếp tục vận chuyển hàng về các huyện thị, các khu công nghiệp. Năm nay, công ty dự trữ khối lượng lớn dầu ăn với giá trị trên 30 tỷ đồng; ngoài dầu ăn, đơn vị cũng chuẩn bị số lượng lớn mì tôm, đường trắng, sữa,…
Bà Võ Thị Thảo – Giám đốc Công ty TNHH Nam Long cho biết, đơn vị chủ động khai thác hàng hóa nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam) phục vụ nhu cầu thị trường Nghệ An trong dịp cuối năm, không để khan hiếm hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.
Ông Trần Anh Khang – Giám đốc siêu thị BigC Vinh cho biết: “Theo kế hoạch, doanh nghiệp chúng tôi dự kiến doanh số tăng khoảng 30% so với năm ngoái, và để đạt kế hoạch đề ra. Chúng tôi đã chuẩn bị, dự trữ và cung ứng hàng hóa cho 2 tháng trước và sau Tết với số lượng tăng trên 50%. Đặc biệt, doanh nghiệp luôn chú trọng vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm, tăng kiểm soát đầu vào và trang bị xe thí nghiệm thực phẩm”.
Ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cho biết, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm nay có giá cả ổn định, hàng hóa phong phú đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu lãnh đạo các chợ, siêu thị chủ động nghiên cứu thị trường, dự trữ hàng hóa thiết yếu trước, trong và sau Tết với chất lượng an toàn, giá cả hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các lực lượng chú trọng kiểm tra phòng chống hàng giả hàng nhái… Đối với siêu thị Big C, yên tâm về chất lượng, số lượng hàng hoá, tuy nhiên, cần lưu ý vấn đề giao thông xung quanh, không để lộn xộn gây ùn tắc…
Ông Vinh đề nghị Sở Công Thương tiếp tục nắm bắt, đánh giá tình hình đảm bảo nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu; công tác chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Minh Tâm
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-can-doi-cung-cau-hang-hoa-phuc-vu-nhu-cau-tieu-dung-dip-tet-a588998.html