Phủ xanh đất trống
Mới ngày nào, người Bahnar ở xã Đak Song, Đak Pling, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai tất bật cào, đốt dọn đất. Hàng trăm ha đất trống, bạc màu nằm lộ thiên phơi nắng gió. Ấy vậy mà giờ đây, nơi này đã được phủ một màu xanh ngắt trải dài vô tận.
Từng đoàn xe tải chất đầy gỗ keo mới khai thác nối đuôi nhau đi khắp mọi miền trong niềm hân hoan vui mừng của những cư dân trồng rừng.
Đứng dưới tán rừng keo đang khai thác, anh Đinh Dom lòng phấn khởi kể, ngày trước, dân làng sống dựa rừng, phát rừng làm rẫy xong thì chuyển đi nơi khác để cây tự tái sinh, không ai trồng rừng cả.
Những năm 2015-2016, gia đình anh Lê Văn Ánh chuyển vào định cư rồi mua đất trồng rừng. Thấy rừng trồng của anh ấy sinh trưởng tốt và được sự tuyên truyền của các cấp chính quyền, dân làng bắt đầu trồng cây keo lai, bạch đàn.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Văn Ánh – người tiên phong công tác trồng rừng tại đây chia sẻ: “Năm 2017, Nhà nước hỗ trợ 7,5 triệu đồng/ha rừng trồng mới, mình mua giống, thuê người dọn cỏ, đào hố trồng 7ha keo lai. Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cây sinh trưởng nhanh, có đường kính thân 10-30 cm.
Đợt rồi, mình bán hết cả vườn cho người ta tự thu hoạch, thu về gần 300 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 170-180 triệu đồng. Nhờ vậy mà mình có tiền để trả nợ đầu tư mấy năm trước, mua thêm giống trồng rừng mới và sửa sang nhà cửa, mua sắm thêm máy móc phục vụ cuộc sống. Hy vọng những năm tới, keo lai vẫn có giá cao để gia đình có cuộc sống sung túc hơn”.
Dẫn chúng tôi chạy một vòng quanh vườn keo lai của gia đình, anh Đinh Văn Char hồ hởi chia sẻ: “Gia đình tôi là một trong những hộ người Bahnar ở xã Đak Pling tiên phong trồng rừng. Bắt đầu trồng từ năm 2016, gia đình đang sở hữu 7ha. Năm 2021, tôi đã cắt 4ha keo lai trồng đợt đầu tiên bán, cũng bỏ túi một khoản kha khá. Nhờ đó mà gia đình tôi thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo của xã”.
Thoát nghèo nhờ rừng
Gia đình anh Đinh Văn Bốp, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cũng là một trong những hộ đầu tiên ngược núi trồng rừng. Sau 6 năm, gia đình anh Bốp có hơn 10ha rừng ở xã Đak Song và Đak Pling.
“10ha này là của tôi chung với mấy anh em trong nhà. Chúng tôi hợp tác với công ty lâm nghiệp, UBND xã để trồng. Toàn xã có khoảng 70% hộ dân hợp tác trồng rừng, bắt đầu triển khai từ năm 2017. Năm 2022, nhiều hộ đến kỳ thu hoạch keo. Giá bán 1,2-1,6 triệu đồng/tấn nên người dân có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo”, anh Bốp cho biết.
Ông Từ Tấn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chro-chia sẻ: “Tính riêng giai đoạn 2020-2022, công ty hợp tác với người dân 2 xã Đak Pling và Đak Song trồng mới hơn 400ha keo, bạch đàn. Qua đó, tạo thêm sinh kế, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định”.
Ông Đinh Làng, Chủ tịch UBND xã Đak Pling thông tin, toàn xã có hơn 778ha rừng trồng của người dân theo các dự án đầu tư từ năm 2017 đến nay. Hiện, tỷ lệ che phủ rừng ở xã đạt 79,5%.
Trong năm 2022, 16 hộ dân đã khai thác 64ha rừng trồng từ năm 2017, giá bán 65-70 triệu đồng/ha. Nguồn thu nhập từ trồng rừng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Nhận thấy lợi ích kinh tế từ trồng rừng mang lại, người dân ở các xã phía Đông huyện Kông Chro mong muốn được mở rộng diện tích. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu cao khiến bà con gặp khó.
Anh Đinh Dom trầm giọng cho hay: “Mấy năm nay, giá gỗ keo và bạch đàn cao, bà con phấn khởi lắm. Ai cũng muốn trồng thêm, có điều chi phí đầu tư ban đầu cho 1ha đã gần 15-20 triệu đồng, Nhà nước chỉ hỗ trợ 2,5 triệu đồng nên chúng tôi dè dặt. Nếu được Nhà nước hỗ trợ 7,5 triệu đồng/ha như giai đoạn 2017-2020 và các công ty hợp tác hỗ trợ 9,5 triệu đồng/ha cho 1 chu kỳ thì chúng tôi sẽ có điều kiện để trồng thêm”.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Ngọc Ẩn cho biết: “Từ năm 2017 đến nay, phong trào trồng rừng ở các xã phía Đông của huyện phát triển mạnh. Trong đó, số lượng hộ dân người Bahnar tham gia trồng rừng tăng qua từng năm. Thế nên, tỷ lệ che phủ rừng của huyện gia tăng và góp phần cải tạo môi trường, điều hòa khí hậu.
Đi đôi với trồng mới, bà con cũng đã khai thác diện tích trồng từ năm 2017. Hiện nay, nhu cầu gỗ nguyên liệu để làm bột giấy, viên nén rất lớn nên bà con trồng rừng có thu nhập khá cao, đa phần vào khoảng 60-70 triệu đồng/ha”.
“Nhiều hộ dân, nhất là người dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo nhờ trồng rừng. Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương tăng cường vận động người dân mở rộng diện tích trồng rừng để có thêm nguồn thu nhập, đồng thời phủ xanh đồi trọc.
Mới đây, trong cuộc làm việc với tỉnh, chúng tôi cũng kiến nghị tăng thêm mức hỗ trợ ban đầu để khuyến khích người dân trồng rừng”.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/gia-lai-dan-ngheo-doi-doi-nho-trong-rung-a588792.html