Ngày 28/12, Cục An toàn thực phẩm thông tin thời gian qua tạimột số sàn thương mại điện tử quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nordisk Lys Hud và Vakker/Ren Hud khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.
Theo Cục An toàn thực phẩm, nội dung quảng cáo không phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nordisk Lys Hud và Vakker/Ren Hud vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.
Cùng ngày, cơ quan này cũng phát đi cảnh báo về Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Pico Collagen Premium tại một địa chỉ cũng vi phạm quảng cáo do chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.
“Nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm”, cơ quan này nhấn mạnh.
Vì vậy, Cục An toàn Thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, cơ quan này đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật nêu trên để quyết định mua và sử dụng các sản phẩm vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Pico Collagen Premium vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.
Trước đó, tại hội thảo “Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng” tổ chức ngày 20/12, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, chính thức vào Việt Nam từ những năm 2000, thực phẩm chức năng (TPCN) là sản phẩm hỗ trợ chức năng, tạo cho cơ thể con người tình trạng thoải mái, giảm nguy cơ bệnh tật.
Nếu như năm 2000, ở nước ta chỉ có vài chục loại thực phẩm chức năng và chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu thì đến nay số lượng đăng ký mới hàng năm đã lên tới hàng chục ngàn sản phẩm. Trong đó, hơn 70% thực phẩm chức năng trên thị trường là sản xuất trong nước, người biết và sử dụng thực phẩm chức năng tăng lên trên 60%.
Tuy nhiên,theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong,thời gian qua, trong sản xuất TPCN có hiện tượng sản xuất không đúng như bản đăng ký công bố sản phẩm. Thậm chí, có nhà sản xuất vì lợi nhuận mà cố tình cho thêm chất cấm, chất độc hại vào sản phẩm.
Mặt khác, trong quảng bá và truyền thông, nhiều sản phẩm đang được quảng cáo sai thông tin sản phẩm, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Nhiều sản phẩm được quảng cáo như thần dược, có thể thay thế thuốc chữa bệnh, khiến nhiều người mua và sử dụng sản phẩm không hiệu quả, ảnh hưởng đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, mất tiền của, mất thời gian.
Nhiều doanh nghiệp, công ty đầu tư nhà máy hiện đại về TPCN. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp đang có tình trạng đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo, thậm chí quảng cáo TPCN sai sự thật.
“Nhiều đơn vị lợi dụng hình ảnh các y bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên để quảng cáo TPCN gây hiểu lầm cho người dùng. Điều này là vi phạm pháp luật, cần được xử lý”, ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bo-y-te-tiep-tuc-canh-bao-loat-tpbvsk-quang-cao-sai-su-that-a587847.html