Chiều 16/12, tại Tp.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022 và nhiệm vụ giải pháp năm 2023 gắn với chuỗi sự kiện lễ hội cá tra lần thứ nhất.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tỉnh Đồng Tháp là địa phương có diện tích, sản lượng cá tra cao nhất toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2022, ngành hàng cá tra đã vượt qua những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và đã nhanh chóng tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch để tổ chức sản xuất và xuất khẩu, góp phần quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành thủy sản.
Ước cả năm, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.600ha (bằng 104% so với cùng kỳ năm 2021), sản lượng cá tra đạt khoảng 1,6 triệu tấn (bằng 103,5% so với cùng kỳ năm 2021). Kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hai thị trường chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra là Trung Quốc chiếm 30%, Hoa Kỳ chiếm 23%.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ nhập khẩu 104,5 nghìn tấn cá tra phile đông lạnh, giá trị 445 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và 91% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình xuất khẩu sang Mỹ đạt 4,26 USD/kg, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài Mỹ và Trung Quốc, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như EU, Thái Lan, Mexico…
Giá xuất khẩu cá tra phile sang các thị trường khác đều tăng trung bình từ 28 – 66%. Ngành hàng cá tra đã triệt để tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là cơ hội về giá nên giá trị xuất khẩu vượt trội so với sản lượng.
Đồng thời, sự gia tăng sản lượng trong năm đã góp phần nâng cao giá trị của ngành hàng…
Thanh Lâm
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/muc-tieu-xuat-khau-ca-tra-nam-2023-dat-23-ty-usd-a586037.html