noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThế giớiVụ tên lửa trên đất Ba Lan: Phóng viên AP đưa tin...

    Vụ tên lửa trên đất Ba Lan: Phóng viên AP đưa tin sai bị sa thải

    Thông tin sai lệch đã đặt cả thế giới vào tình trạng cảnh giác cao độ về nguy cơ đụng độ quân sự rộng lớn hơn giữa Nga và liên minh NATO.

    Khi hãng thông tấn Associated Press (AP) viết hôm 15/11 rằng Nga đã tấn công một ngôi làng ở Ba Lan bằng tên lửa, cả thế giới được đặt trong tình trạng báo động cao độ vì lo ngại rằng sự kiện này có thể khiến xung đột Nga-Ukraine leo thang thành một cuộc đụng độ quân sự thậm chí còn lớn hơn. Rất may nguy cơ đã được tháo ngòi sau khi thông tin được chứng minh là sai.

    Ngay sau vụ nổ hôm 15/11 ở ngôi làng Przewodów, miền Đông Ba Lan, cách biên giới Ukraine chỉ tầm 6km, hãng thông tấn Mỹ AP đưa tin nóng rằng một “quan chức tình báo cấp cao của Mỹ” tuyên bố tên lửa của Nga đã “vượt qua biên giới thành viên NATO là Ba Lan, giết hại 2 người”.

    AP được cho là hãng tin đầu tiên bên ngoài truyền thông Ba Lan đưa tin về vụ việc. Với hơn một nửa dân số thế giới xem báo của AP mỗi ngày, theo chính cơ quan này, thông tin được phát đi với tốc độ chóng mặt, làm dấy lên lo ngại về sự leo thang xung đột giữa các quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân và Thế chiến III.

    Các nhà lãnh đạo thế giới đang có mặt tại đảo Bali (Indonesia) để dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã bị đánh thức cho cuộc họp khẩn về diễn biến trên. Ukraine đã ngay lập tức đổ lỗi cho các lực lượng Nga.

    Thế giới - Vụ tên lửa trên đất Ba Lan: Phóng viên AP đưa tin sai bị sa thải

    Cảnh sát có mặt gần hiện trường vụ nổ tại làng Przewodow, miền Đông Ba Lan, ngày 16/11/2022, một ngày sau khi vụ việc xảy ra. Ảnh: Getty Images

    Tuy nhiên, các quan chức ở Ba Lan và Mỹ đã nhanh chóng kêu gọi các bên bình tĩnh. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết “không có khả năng” tên lửa được phóng từ phía Nga. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo NATO lưu ý rằng tên lửa có thể được bắn từ một hệ thống phòng không của Ukraine, và đây vẫn được cho là kịch bản có khả năng xảy ra nhất.

    Ngay ngày hôm sau (16/11), AP đăng tin đính chính: “Trong các phiên bản trước của một bản tin được xuất bản vào ngày 15/11/2022, hãng tin AP đã đưa tin sai, dựa trên thông tin từ một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ, người phát biểu với điều kiện giấu tên, rằng tên lửa của Nga đã vượt qua biên giới Ba Lan và giết hại 2 người. Báo cáo sau đó cho thấy các tên lửa này do Nga sản xuất và rất có thể do Ukraine khai hỏa để phòng thủ trước một cuộc tấn công của Nga”.

    Hôm 22/11, AP tuyên bố đã sa thải ông James LaPorta, phóng viên chịu trách nhiệm chính đối với bản tin sai lệch trên, đồng thời cho biết đang xem xét lại các tiêu chuẩn của họ về việc sử dụng nguồn tin ẩn danh.

    Một phát ngôn viên của AP cũng từ chối bình luận, nhưng nói với báo iNews của Anh: “Các tiêu chuẩn và thông lệ biên tập nghiêm ngặt của AP là rất quan trọng đối với sứ mệnh của AP với tư cách là một tổ chức tin tức độc lập. Để đảm bảo việc đưa tin của chúng tôi là chính xác, công bằng và dựa trên thực tế, chúng tôi tuân thủ và thực thi các tiêu chuẩn này, bao gồm cả việc sử dụng các nguồn ẩn danh”.

    “Khi các tiêu chuẩn của chúng tôi bị vi phạm, chúng tôi phải thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ tính toàn vẹn của bản tin. Chúng tôi không đưa ra những quyết định này một cách hời hợt, cũng như không dựa trên những sự cố riêng lẻ”, vị phát ngôn viên của AP cho biết.

    Thế giới - Vụ tên lửa trên đất Ba Lan: Phóng viên AP đưa tin sai bị sa thải (Hình 2).

    Tổng thống Mỹ Joe Biden thảo luận về vụ tên lửa “bay lạc” sang Ba Lan với lãnh đạo các nước G7 và NATO có mặt ở Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia. Ảnh: iNews

    Nhà báo LaPorta, 35 tuổi, đã làm việc tại AP từ năm 2020, không bình luận công khai về vụ việc, nhưng hôm 22/11 cho biết: “Tôi muốn cảm ơn các nhà báo, biên tập viên và độc giả lâu năm đã gửi cho tôi những lời động viên. Điều này thực sự có ý nghĩa”.

    Vụ việc là một lời nhắc nhở đặc biệt sống động – xét đến những hậu quả to lớn có thể xảy ra – về việc các nhà báo cần phải hết sức quan tâm đến các tình huống “sương mù chiến tranh”, ông William Muck, giáo sư khoa học chính trị tại trường North Central College ở Illinois (Mỹ), cho biết.

    “Chúng ta hay quên mất rằng bản chất của xung đột là có rất nhiều điều mơ hồ và không chắc chắn”, ông Muck nói. “Có lý do để thận trọng và làm mọi thứ chậm lại”.

    Trong một diễn biến khác, hãng tin Reuters hôm 22/11 thông báo đã gỡ bài viết trên hệ thống của mình về vụ việc, dẫn nguồn tin từ AP.

    Minh Đức (Theo iNews, AP, NY Times, Reuters)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU