Ngày 15/12, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 36 công ty Trung Quốc vào Danh sách Thực thể (danh sách đen) nhằm ngăn chặn các công ty này tiếp cận với các hàng hóa, phần mềm và công nghệ quan trọng ở Mỹ, trừ khi các nhà cung cấp Mỹ được cấp phép. Động thái này khiến ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc ngày càng rơi vào thế khó.
Trong số các công ty mới được thêm vào có Công ty Công nghệ bộ nhớ Dương Tử (YMTC), công ty lớn nhất trên thị trường bộ nhớ flash của Trung Quốc, ước tính kiểm soát 5-6% thị trường bộ nhớ flash NAND toàn cầu.
YMTC chuyên sản xuất chip bộ nhớ được sử dụng để lưu trữ dữ liệu, vốn rất quan trọng đối với hàng tiêu dùng cũng như các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, truyền thông 5G và điện toán đám mây – những lĩnh vực quan trọng đối với mục tiêu đạt được sự thống trị về công nghệ và quân đội đẳng cấp thế giới của Trung Quốc.
Một công ty con của YMTC tại Nhật Bản cũng được đưa vào danh sách đen thương mại mới nhất.
2 công ty trên từng bị thêm vào “Danh sách chưa được xác minh” của Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 10 vì lo ngại họ có thể đưa công nghệ của Mỹ sang gã khổng lồ thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies và nhà sản xuất camera giám sát Hikvision.
Danh sách Thực thể mới nhất được đưa ra sau khi chính quyền Washington quyết định kiểm soát xuất khẩu chip và thiết bị sản xuất chip của Mỹ vào ngày 7/10 nhằm hạn chế Bắc Kinh mua công nghệ chip, thiết bị cao cấp của Mỹ, thậm chí không cho công dân Mỹ làm việc cho một số công ty Trung Quốc. Tháng 11/2021, chính phủ Mỹ đã thêm hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen xuất khẩu này.
Những cái tên nổi tiếng khác trong Danh sách Thực thể mở rộng bao gồm Shanghai Micro Electronics Equipment – niềm hy vọng của Trung Quốc trong việc chế tạo máy móc sản xuất chip tiên tiến và Tiandy, một trong những nhà cung cấp video giám sát hàng đầu trên thế giới.
Trong số những cái tên mới trong danh sách, 21 công ty được xác định là đóng vai trò chính trong nghiên cứu và phát triển, sản xuất và bán chip AI và có quan hệ chặt chẽ với các tổ chức chính phủ chuyên hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ cũng áp dụng “quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài” (cấm các công ty nước ngoài bán hàng hóa được sản xuất bằng công nghệ hoặc thiết bị của Mỹ cho các thực thể Trung Quốc) đối với 21 trong số 36 công ty trong Danh sách Thực thể, bao gồm YMTC và công ty con, để ngăn họ lấy công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ qua các quốc gia khác.
7 thực thể khác trong danh sách được xác định là hỗ trợ các nỗ lực của quân đội Trung Quốc nhằm phát triển vũ khí siêu thanh và hệ thống tên lửa đạn đạo.
Quyết định về Danh sách Thực thể được đưa ra bởi Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng Mỹ.
Nguyễn Tuyết (Theo SCMP, Washington Post)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/them-mot-don-giang-cua-my-vao-nganh-chip-trung-quoc-a585908.html