Dự thảo có sự cải thiện chất lượng rõ rệt
Sáng 14/12, tại Phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Cho ý kiến về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra; cho rằng dự thảo Luật trình lần này đã có sự tiếp thu và cải thiện chất lượng rõ rệt…
Chủ tịch Vương Đình Huệ cho rằng, nếu đóng góp ý kiến tối đa và tiếp tục trình được tại Kỳ họp bất thường sắp tới là tốt nhất. Nếu được thông qua, các văn bản hướng dẫn sẽ có hẳn thời gian một năm để xây dựng.
Về giải thích từ ngữ quy định tại Điều 2 có quy định người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo Chủ tịch Quốc hội, quy định này sẽ khó thực hiện.
“Sau khi chúng ta thành lập hội đồng quản lý các bệnh viện, rất nhiều giám đốc, không biết ai là người đứng đầu, ai là người có người có trách nhiệm cao nhất đối với cơ sở khám, chữa bệnh”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Dự thảo Luật đưa ra một định nghĩa chung chung theo hướng người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Chủ tịch Vương Đình Huệ nêu: “Vậy người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là người chịu trách nhiệm trước pháp luật, toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh có được không? Đó là giám đốc hay Chủ tịch Hội đồng quản lý?”.
Liên quan đến quy định về giấy phép hành nghề, Chủ tịch Quốc hội cho rằng bố cục dự thảo Luật chưa hợp lý cần thảo luận thêm để thiết kế phù hợp.
Bày tỏ băn khoăn về quy định tại khoản 3 Điều 21 quy định “Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp mới, cấp lại, gia hạn và điều chỉnh”, cho rằng quy định này về mặt luật pháp là không hợp lý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định là “Mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề. Thời hạn có giá trị chỉ có 5 năm”.
Sau đó cấp lại, gia hạn thì cũng là 5 năm. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghề rà lại quy định của dự thảo Luật về thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề…
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ băn khoăn việc quy định cấp giấy phép hành nghề có thời hạn. Đồng thời, đề nghị cần phải làm rõ, quy định tường minh vấn đề này; nhấn mạnh việc chữa bệnh cứu người liên quan đến tính mạng, sức khỏe người dân phải hết sức kỹ lưỡng, hết sức thận trọng nhưng phải đúng quy luật khách quan và phù hợp với thực tiễn Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế.
Về việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý phải quy định rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia, làm rõ mô hình, quy định về việc thành lập, ai thành lập…
Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề giấy phép hành nghề của nước ngoài vào Việt Nam thế nào. Đề nghị rà soát kỹ lưỡng các quy định về đình chỉ giấy phép hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại quy định về từ chối khám bệnh và chữa bệnh để tránh vi phạm quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân theo quy định của Hiến pháp.
Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh
Về đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tham khảo kinh nghiệm đánh giá kiểm định về chất lượng giáo dục. Theo đó, nếu muốn đánh giá thì phải có tổ chức kiểm định.
Về các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Chương 10 dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh vẫn là vấn đề lớn. Vấn đề quan tâm nhất là khái niệm về cấp chuyên môn kỹ thuật và mối quan hệ giữa các cấp, cách thức đảm bảo điều kiện hoạt động của các cấp này hiện dự thảo Luật quy định chưa rõ cần được tiếp tục rà soát, làm rõ.
Về các điều kiện đảm bảo về tài chính, Chủ tịch Vương Đình Huệ chỉ rõ nội dung này trong dự thảo Luật còn lúng túng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng nội dung này nên quy định thuần túy về tự chủ tài chính, luật hóa một số quy định của Nghị định 60.
Về vấn đề tài chính, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát lại Điều 118 dự thảo Luật, nên quy định theo hướng tự chủ hoàn toàn về tài chính tức là cả chi thường xuyên, chi đầu tư, chi thường xuyên thì được thực hiện các tự chủ khác về tổ chức bộ máy nhân sự theo quy định của pháp luật. Đề nghị quy định thêm cơ quan nào đã tự chủ hoàn toàn về tài chính thì phải thực hiện kế toán và kiểm toán, công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận các nội dung về xã hội hóa được quy định tiến bộ hơn, quy định nhiều vấn đề để làm, đồng ý Chính phủ quy định vấn đề này để nghị định minh bạch và để bảo vệ cho các thầy thuốc, cho các cơ sở khám, chữa bệnh yên tâm làm việc.
Về giá dịch vụ khám bệnh và chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên tập trung một số vấn đề lớn, trong đó đặc biệt cân nhắc khi quy định về giá trị vô hình của thương hiệu.
Đồng thời, đề nghị nên tiếp cận theo hướng, quy định giá dịch vụ y gồm những gì; phải tính đúng tính đủ; Nhà nước, cụ thể là Chính phủ hay Bộ Y tế công bố lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ đối với các dịch vụ về khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao dự thảo Luật và cho rằng dự thảo Luật có thể trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp gần nhất.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tinh-dung-tinh-du-gia-dich-vu-kham-chua-benh-a585625.html