noel giáng sinh vui vẻ
Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiGiáo dụcSinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội có thể chuyển ngành...

    Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội có thể chuyển ngành học?

    Sau khi kết thúc năm nhất, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội có thể lựa chọn chuyển ngành học khác nếu đáp ứng một số điều kiện của nhà trường.

    Tiêu chuẩn chuyển ngành học 

    Mới đây, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, một điểm mới trong quy chế đào tạo đại học năm 2022 so với trước đó là cho phép sinh viên có thể được chuyển ngành học. Cụ thể, sinh viên hoàn thành năm học thứ nhất được xem xét chuyển sang học một ngành học khác nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

    Đáp ứng điều kiện trúng tuyển của ngành muốn chuyển sang học; Có số tín chỉ tích lũy tối thiểu bằng khối lượng thiết kế theo kế hoạch học tập chuẩn của chương trình đào tạo; Điểm trung bình chung các học phần tính đến thời điểm xét đạt từ 2,50 trở lên; Không bị cảnh báo học tập hoặc bị xét thi hành kỷ luật; Đơn vị đào tạo còn chỉ tiêu đối với ngành sinh viên muốn chuyển đến; Được sự đồng ý của Chủ nhiệm Khoa/Bộ môn (đơn vị chuyên môn phụ trách ngành đào tạo) và thủ trưởng đơn vị đào tạo (đối với các trường thành viên), Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (đối với các đơn vị đào tạo trực thuộc).

    Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là quy chế mới ban hành không xem xét chuyển ngành học đối với sinh viên đã học từ năm thứ hai. Kết quả học tập của các học phần đã tích lũy của sinh viên chuyển ngành hoặc chuyển hình thức đào tạo sẽ được xem xét để bảo lưu và công nhận tương đương theo các học phần trong ngành mới.

    Quy chế mới cũng tiếp tục tạo điều kiện và cho phép sinh viên học cùng lúc 2 chương trình đào tạo theo hình thức đào tạo chính. Điều kiện để được học ngành thứ 2 được bổ sung với quy định chặt chẽ hơn: Cụ thể, sinh viên phải đã học ít nhất hai học kỳ của chương trình đào tạo thứ nhất, và nếu điểm trung bình chung tất cả các học phần tính từ đầu khóa học đến thời điểm đăng ký học chương trình đào tạo thứ hai đạt từ 2,0 trở lên thì sinh viên phải đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh; còn nếu đạt từ 2,5 trở lên thì sinh viên chỉ phải đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.

    Cũng theo GS Đức, Quy chế vừa ban hành của Đại học Quốc gia Hà Nội đã cập nhật những điểm mới trong Quy chế của Bộ, đồng thời có nhiều điểm mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho người học nhiều hơn trước.

    Xây dựng theo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo

    Quy chế đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội được xây dựng căn cứ theo Thông tư 08 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo Thông tư này, kết quả học tập mà người học đã tích lũy từ một trình độ đào tạo, ngành hoặc chương trình đào tạo khác, hoặc từ một cơ sở đào tạo khác được xem xét công nhận, chuyển đổi sang tín chỉ của những học phần trong chương trình đào tạo đang theo học. Việc này do hội đồng chuyên môn của cơ sở đào tạo xem xét trên cơ sở đối sánh chuẩn đầu ra, nội dung và khối lượng học tập. Khối lượng được công nhận, chuyển đổi không vượt quá 50% khối lượng học tập tối thiểu của chương trình đào tạo. Thông tư 08 cũng cho phép sinh viên chuyển ngành, chuyển cơ sở đào tạo, trình độ đào tạo hoặc học một số học phần tại cơ sở đào tạo khác nếu đáp ứng một số điều kiện.

    Theo các chuyên gia, đây là những hoạt động bình thường của các đại học trên thế giới. Ở Việt Nam, sau Thông tư 08, việc này mới bắt đầu được một số trường áp dụng. Hồi cuối tháng 10, nhóm 10 trường Kinh tế đã ký thỏa thuận trao đổi sinh viên và công nhận tín chỉ của nhau. Sinh viên các trường này được đăng ký học tập 1-2 học kỳ ở các trường trong nhóm, mỗi kỳ từ 12 đến 25 tín chỉ và được chuyển đổi kết quả học tập.

    Quy chế mới về đào tạo bậc đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội bao gồm 9 chương, 51 điều quy định: Chương trình đào tạo; tổ chức và quản lý đào tạo; nghiên cứu khoa học của sinh viên; quyền lợi và nghĩa vụ của giảng viên, cố vấn học tập, sinh viên; kiểm tra, thi và đánh giá kết quả học tập; công nhận tốt nghiệp.

    Quy chế có hiệu lực thi hành từ ngày 21/10/2022 và áp dụng cho các khóa tuyển sinh từ năm 2022 trở đi. Những quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

    Trúc Chi (theo VTC, KTĐT, Vnexpress)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU