noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngKinh tế vĩ môLượng khách du lịch nội địa tăng mạnh nhưng chi tiêu vẫn...

    Lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh nhưng chi tiêu vẫn thấp

    Thứ 2, 21/11/2022 | 19:00

    Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam chia sẻ, qua các cuộc khủng hoảng, nhất là những tác động mạnh mẽ như đại dịch Covid-19, thị trường du lịch nội địa luôn là cứu cánh của ngành du lịch. Đây cũng là thị trường phục hồi nhanh, lấy lại đà phát triển vượt mong đợi.

    Qua nghiên cứu về thị trường khách nội địa giai đoạn 2016 – 2022 trên phạm vi toàn quốc, theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, du lịch nội địa đã khẳng định vai trò tích cực trong mỗi giai đoạn phát triển. Lượng khách du lịch nội địa tăng đều qua các năm và đạt đỉnh vào năm 2019 với 85 triệu lượt. Trong 10 tháng năm 2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt 91,8 triệu lượt, vượt qua con số cả năm 2019. Mức tăng trưởng hàng năm lên tới 2 con số cho thấy sự phát triển đáng kinh ngạc của ngành du lịch, được ví như là nền kinh tế xanh Việt Nam.

    Khách nội địa ngày càng có đóng góp tích cực vào tổng thu của ngành du lịch. Năm 2015, khách nội địa mới chỉ đóng góp 158.000 tỷ đồng vào tổng thu toàn ngành, đến năm 2019, tăng lên 334.000 tỷ đồng, gấp 2,1 lần, tăng trưởng bình quân đạt khoảng 20,5%/năm. Thu từ khách nội địa chiếm khoảng 41 – 44% trong cơ cấu tổng thu toàn ngành.

    Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, thì cả tổng lượng khách và tổng thu từ du khách trong nước vẫn còn nhiều điều phải tính đến. Đơn cử, chi tiêu của khách du lịch nội địa trung bình 977.700 đồng/ngày vào năm 2011, nhưng đến năm 2020 cũng chỉ đạt 1,15 triệu đồng.

    Khách nội địa thường đi du lịch vào thời điểm học sinh nghỉ hè và những ngày lễ lớn, như Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, 30/4 và 1/5, cuối tuần. Chủ yếu khách đi cùng nhóm bạn bè, gia đình, với độ dài chuyến đi trung bình 3-4 ngày dịp hè và 1-3 ngày dịp lễ. Các mùa khác thì rất vắng.

    Các điểm đến mà khách du lịch nội lựa chọn là nghỉ dưỡng biển, một số lựa chọn nghỉ dưỡng núi, cũng chỉ tập trung vào khoảng hơn chục địa phương. Nhiều địa phương có tiềm năng du lịch tốt, nhưng vắng khách vì giao thông không thuận lợi và hạ tầng kém phát triển. Loại hình du lịch khách lựa chọn cũng không đa dạng, phong phú.

    Theo PGS-TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội), từ những tác động của đại dịch Covid-19, có thể thấy thực trạng du lịch Việt Nam đang bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ khách quốc tế, trong khi thị trường khách nội địa khổng lồ vẫn chưa được quan tâm khai thác tương xứng với tiềm năng.

    Năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách, trong đó 60 triệu lượt khách trong nước và 5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu mang lại 400.000 tỷ đồng. Nhìn vào mục tiêu này, có thể thấy, du lịch nội địa vẫn là thị trường trọng điểm của ngành.

    Kinh tế vĩ mô - Lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh nhưng chi tiêu vẫn thấp

    Du khách trải nghiệm hoạt động dân gian tại khu du lịch ở Quảng Nam. Ảnh: Nhân dân. 

    Do đó, ông Phạm Hồng Long cho rằng, các chương trình du lịch cần đổi mới, sáng tạo hơn trong cách tiếp cận điểm đến, di chuyển và sử dụng dịch vụ. Dựa trên sự chuyển dịch xu hướng của du khách trong trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp lữ hành cần tập trung xây dựng các nhóm sản phẩm có điểm nhấn về mặt trải nghiệm phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau.

    Bên cạnh các dòng sản phẩm du lịch có tính đại chúng cao như du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội; du lịch đô thị; du lịch đêm; du lịch ẩm thực…, ông Phạm Hồng Long nhấn mạnh: “Các dòng sản phẩm du lịch theo xu hướng mới cần được chú trọng phát triển nhiều hơn sau thời kỳ Covid-19, dựa trên đặc điểm thị hiếu của khách du lịch đó là sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc, sức khỏe, chữa bệnh, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thể thao, du lịch thông minh”.

    Khẳng định trong bối cảnh bình thường mới, nhu cầu và thói quen tiêu dùng của khách có nhiều thay đổi, để thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chỉ đạo Tổng cục Du lịch xây dựng cơ chế, chính sách riêng biệt và cụ thể đối với thị trường khách trong nước để thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa phát triển mạnh và bền vững trong điều kiện mới.

    Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm và mang đậm tính vùng miền địa phương, phát triển các loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch nghệ thuật, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm. Đồng thời, ngành du lịch khuyến khích sản phẩm du lịch mới tại những khu vực còn khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực nông thôn một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

    Để phát triển du lịch nội địa bền vững, các địa phương tăng cường năng lực quản lý điểm đến, dịch vụ du lịch an toàn; Triển khai có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch; Thiết lập, kết nối mạng lưới trong thúc đẩy du lịch nội địa; Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và xúc tiến du lịch…

    Tổng lượng khách đến Hà Nội gấp 5 lần năm trước

    Tính riêng trong tháng 11/2022, khách du lịch quốc tế và nội địa được dự báo tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,61 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách du lịch nội địa ước đón 1,35 triệu lượt khách; khách du lịch quốc tế ước đón khoảng 255,32 nghìn lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 4,39 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

    Điều đáng nói, tổng lượng khách quốc tế đến Hà Nội trong 11 tháng của năm 2022 đã đạt 1,27 triệu lượt khách, đạt chỉ tiêu đề ra của cả năm 2022. Trước đó, trong kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch Hà Nội trong năm 2022 sau đại dịch Covid-19, Hà Nội đặt mục tiêu đón 9-10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế.

    Trong tháng 11/2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn trên địa bàn Hà Nội ước đạt 47%, tăng 3,2% so với tháng 10/2022 và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2021. Ước tính, 11 tháng của năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao trên địa bàn Hà Nội ước đạt 36,1%, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021.

    Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, kế hoạch trọng tâm trong tháng 12 và cuối năm của ngành Du lịch Thủ đô là triển khai các nội dung tổ chức chương trình Festival Áo dài Hà Nội năm 2022; triển khai một số mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; tổ chức tọa đàm “Kết nối các khu, điểm du lịch và các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội” năm 2022.

    “Ngoài ra, Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới như: Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện), du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch sông Hồng, du lịch bay trực thăng/bay khinh khí cầu, du lịch ứng dụng thực tế ảo… Đây sẽ là những điểm nhấn của du lịch Thủ đô trong thời gian tới”, bà Đặng Hương Giang chia sẻ với Hà Nội mới. 

    Hương Anh (tổng hợp) 

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU