Ả Rập Xê-út hôm 3/7 cho biết, họ sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện ở mức 1 triệu thùng mỗi ngày ít nhất cho đến cuối tháng 8. Việc cắt giảm có hiệu lực vào ngày 1/7, lúc đầu dự kiến chỉ diễn ra đến hết tháng 7 nhằm hỗ trợ giá dầu.
“Việc cắt giảm tự nguyện bổ sung này nhằm củng cố nỗ lực của các nước OPEC+ với mục đích hỗ trợ sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ”, truyền thông Ả Rập Xê-út trích dẫn một nguồn tin chính thức của Bộ Năng lượng nước này cho biết.
Tại cuộc họp tháng 6, Riyadh cũng cho biết họ sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày (được công bố lần đầu vào tháng 4) đến cuối năm 2024. Tất cả các lần cắt giảm sẽ khiến tổng sản lượng dầu của Ả Rập Xê-út xuống còn 9 triệu thùng mỗi ngày.
Ngay sau thông báo của quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố, quốc gia của ông cũng sẽ tự nguyện cắt giảm nguồn cung 500.000 thùng mỗi ngày trong tháng 8 bằng cách cắt giảm xuất khẩu.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu (OPEC+) cung cấp khoảng 40% lượng dầu thô trên toàn thế giới. Liên minh này đã cắt giảm nguồn cung để nâng giá kể từ tháng 11 năm ngoái do nhu cầu của Trung Quốc yếu hơn và nguồn cung của Mỹ tăng lên.
OPEC+ đã thực hiện cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày, chiếm 3,6% nhu cầu toàn cầu, bao gồm 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11/2022 và cắt giảm tự nguyện 1,66 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5/2023, kéo dài đến hết tháng 12/2024.
Việc cắt giảm được thông báo hôm 3/7 chiếm 1,5% nguồn cung toàn cầu, nâng tổng số cam kết của OPEC+ lên 5,16 triệu thùng/ngày.
Theo ông Viktor Katona, trưởng bộ phận phân tích dầu thô tại công ty nghiên cứu thị trường Kpler cho biết: “Đối mặt với niềm tin mong manh của nhà đầu tư và phạm vi giao dịch rất hẹp, Ả Rập Xê-út hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc gia hạn cắt giảm sản lượng”.
Nhu cầu mờ nhạt ở Trung Quốc đã giới hạn dầu thô ở mức gần 76 USD/thùng, dưới mức mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế tin rằng Ả Rập Xê-út cần để trang trải ngân sách của mình là 81 USD/thùng.
Trong bối cảnh đó, việc mở rộng cắt giảm của quốc gia vùng Vịnh không phải là điều gì quá bất ngờ đối với các nhà giao dịch và nhà phân tích.
Giá dầu được kỳ vọng sẽ tăng trong năm nay, nhưng thay vào đó đã giảm khoảng 11% do lo ngại về sức mạnh của nền kinh tế khi lãi suất tăng. Các ngân hàng Phố Wall như Goldman Sachs và Morgan Stanley đã rút lại các dự báo trước đó rằng giá dầu sẽ trở lại mức 100 USD/thùng.
Về lý thuyết, việc hạn chế nguồn cung kéo dài là không cần thiết, vì thị trường dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ thắt chặt trong nửa cuối năm nay. Bộ phận nghiên cứu có trụ sở tại Vienna của OPEC dự đoán rằng kho dự trữ dầu thế giới đang trên đà cạn kiệt với tốc độ khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày.
Tuy nhiên, các biện pháp được Riyadh và Moscow tiết lộ hôm 3/7 cho thấy họ đang cảnh giác với một thị trường ngày càng thắt chặt. Khi lần đầu tiên tuyên bố cắt giảm sản lượng bổ sung vào tháng 6, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói rằng ông “sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để mang lại sự ổn định cho thị trường này”.
Thông báo của 2 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới khiến giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu tăng 0,7% lên mức 76 USD/thùng lúc 7h15 sáng (giờ Mỹ). Giá dầu WTI chuẩn Mỹ tăng 0,8% lên 71 USD/thùng.
Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, CNN, Bloomberg)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/2-nha-xuat-khau-dau-lon-nhat-the-gioi-dua-nhau-giam-san-luong-a615570.html