noel giáng sinh vui vẻ
Thứ Năm, Tháng Bảy 4, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngKinh tế vĩ môĐề xuất nhiều quy định mới về đăng ký doanh nghiệp

    Đề xuất nhiều quy định mới về đăng ký doanh nghiệp

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp, thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.

    Dự thảo Nghị định quy định phạm vi điều chỉnh của Nghị định là hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; việc liên thông thủ tục đăng ký doanh nghiệp; Cơ quan đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp.

    Dự thảo Nghị định quy định đối tượng áp dụng của Nghị định bao gồm: Tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam; Cơ quan đăng ký kinh doanh; Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh; Cơ quan quản lý nhà nước về lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động; Cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội; Cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế; Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc đăng ký doanh nghiệp.

    Một số điểm mới cơ bản của dự thảo Nghị định

    Thứ nhất, bỏ các quy định về đăng ký hộ kinh doanh, ban hành kèm theo hệ thống biểu mẫu áp dụng trong đăng ký doanh nghiệp.

    Dự thảo Nghị định bỏ các quy định về đăng ký hộ kinh doanh tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP và nghị định hóa toàn bộ hệ thống biểu mẫu trong đăng ký doanh nghiệp hiện đang quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT nhằm phù hợp với quy định về thẩm quyền ban hành hành thủ tục hành chính tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và sắp xếp, hoàn thiện lại khung khổ pháp lý về đăng ký doanh nghiệp.

    Thứ hai, bổ sung quy định về việc sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

    Nhằm thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân tại Nghị quyết số 136/NQ-CP, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định về việc sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

    Theo đó, trường hợp người thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp kê khai số định danh cá nhân thì có thể cắt giảm được phần lớn thông tin cá nhân phải kê khai trên cơ sở khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiết kiệm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, hạn chế tối đa hành vi giả mạo hồ sơ để đăng ký thành lập doanh nghiệp trái pháp luật do các thông tin cá nhân lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là các thông tin đã được Bộ Công an xác minh.

    Thứ ba, làm rõ thành phần hồ sơ “nghị quyết hoặc quyết định”.

    Nhằm thống nhất cách hiểu và áp dụng quy định về thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, dự thảo Nghị định đã sửa đổi các quy định về thành phần hồ sơ “nghị quyết, quyết định” theo hướng yêu cầu doanh nghiệp nộp “nghị quyết hoặc quyết định” của chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

    Thứ tư, bổ sung quy định về tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

    Nhằm xác định trạng thái hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh theo hồ sơ đăng ký và tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, giúp công khai, minh bạch thông tin về tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, bảo đảm việc cung cấp thông tin liên quan đến chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp là chính xác và có giá trị pháp lý.

    Đồng thời tạo sự thống nhất về số liệu thống kê giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, bao gồm 6 tình trạng: (i) Tạm ngừng kinh doanh; (ii) Không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; (iii) Bị thu hồi do cưỡng chế về quản lý thuế; (iv) Đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động; (v) Đã chấm dứt hoạt động; (vi) Đang hoạt động; đồng thời quy định các trường hợp cập nhật tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh khi doanh nghiệp cập nhật tình trạng pháp lý.

    Thứ năm, bổ sung quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội được quy định tại Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 của Chính phủ.

    Nhằm thống nhất, sắp xếp lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung các quy định tại Nghị định số 122/2020/NĐ-CP về phối hợp, liên thông trong đăng ký doanh nghiệp vào dự thảo Nghị định, đồng thời chỉnh sửa các quy định đó cho phù hợp với thực tiễn thi hành.

    Cụ thể, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về nguyên tắc phối hợp, liên thông trong đăng ký doanh nghiệp; quy trình phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan bảo hiểm xã hội; quy trình phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước về lao động; bãi bỏ quy định về phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trong đăng ký sử dụng hóa đơn do hiện nay, việc đăng ký sử dụng hóa đơn được thực hiện riêng biệt theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 122/2020/NĐ-CP.

    Thứ sáu, bỏ quy định về việc đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng.

    Ngày 18/01/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

    Theo quy định của Luật này thì Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép theo quy định; Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; Văn bản chấp thuận việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài đã thành lập và hoạt động theo Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành không phải đề nghị cấp lại Giấy phép theo quy định của Luật này. Trường hợp sửa đổi, bổ sung Giấy phép phải thực hiện theo quy định của Luật này; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc thông báo thông tin về cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi Giấy phép; thông tin về việc bổ nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Trưởng văn phòng đại diện nước ngoài và các thông tin có liên quan cho cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật vào hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã.

    Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 không quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đăng ký kinh doanh; văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng phải đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật sau khi được cấp Giấy phép như đã quy định tại Điều 24 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Do đó, việc quy định đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng tại Nghị định này là không có cơ sở.

    Căn cứ các quy định nêu trên, dự thảo Nghị định không quy định việc đăng ký kinh doanh của tổ chức tín dụng, phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

    Thứ bảy, quy định đăng ký kinh doanh đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty chứng khoán.

    Dự thảo Nghị định đã làm rõ việc công ty chứng khoán thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp tức là bao gồm cả các thủ tục đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh như cách giải thích từ ngữ tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Nghị định.

    Theo đó, Điều 25 dự thảo Nghị định quy định chi nhánh, văn phòng đại diện công ty chứng khoán đăng ký theo mô hình chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; phòng giao dịch công ty chứng khoán đăng ký theo mô hình địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

    Tuệ Minh

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU