Ngày 4/3, một nữ sinh bị “yêu râu xanh” sàm sỡ tại thang máy chung cư Golden Palm ở Hà Nội, và hành vi này, theo quy định hiện hành, chưa đủ để phạt theo luật hình sự nên đã bị phạt hành chính là 200.000 đồng (bằng chữ: hai trăm ngàn đồng chẵn) khiến già, trẻ, gái, trai đều vô cùng bức xúc và phẫn nộ bởi mức phạt quá nhẹ.
Sự việc chưa “hạ nhiệt”, thì vào ngày 2/4 vừa qua, clip ghi lại cảnh một bé gái bị gã đàn ông ngoài 60 tuổi sàm sỡ trong thang máy ở chung cư trên đường Nguyễn Khoái, quận 4, TP.HCM khiến cộng đồng rất “tò mò” xem lần này hành vi đó có bị coi thuộc tội hình sự và mức tiền bị phạt kèm theo sẽ là bao nhiêu?
Nhiều người cho rằng cần tăng mức tiền phạt lên, chẳng hạn mức phạt hiện hành là 200.000 đồng, thì sẽ được tăng lên thành 1.000.000 đồng hoặc nhiều hơn. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, phạt tiền là việc tước của người bị kết án một khoản tiền nhất định để sung quỹ Nhà nước. Xét về nội dung và giá trị các tác động của hình phạt, phạt tiền tước bỏ một số quyền lợi vật chất của người bị kết án, tác động đến kinh tế (tình hình tài sản) của họ, và thông qua đó đạt mục đích phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung của hình phạt.
Trong Bộ luật Hình sự 2015, theo điều 32, chương VI, hình thức phạt tiền này nằm trong cả hình thức phạt chính và hình thức phạt bổ sung (tức là đi kèm theo một hình phạt chính đối với mỗi loại tội phạm), và cả trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, ở điều 23, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
Tuy nhiên, có thể 5 – 10 năm trước, số tiền 200.000 đồng hay 500.000 đồng thì là lớn, nhưng hiện tại,số tiền này chỉ còn mang ý nghĩa …tượng trưng. Điều này khiến tính răn đe cho các hình vi phạm pháp bị giảm nhẹ theo. Như vậy, phạt tiền theo mức tiền của những khung hình phạt được liệt kê trong Điều 23 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã có sự không hợp lý. Cũng như với hình thức phạt bổ sung bằng tiền, cần quy ra một đơn vị tính nào đấy có giá trị ổn định hơn, bám sát cuộc sống, xã hội hơn
Như vậy, cần xem xét để giá trị của mức phạt tiền sao cho ổn định, chẳng hạn quy ra theo lương, mà đơn v tính là lương tối thiểu. Lương là giá cả sức lao động, chịu sự chi phối của tuơng quan cung -cầu lao động trên thị trường. Hơn nữa, mức lương tối thiểu được điều chỉnh và ra quy định định kỳ hằng năm bởi Hội đồng Tiền lương quốc gia. Cụ thể như mức lương tối thiểu vùng I năm 2009 (theo Nghị định 110/2008/NĐ-CP) là 800.000 đồng thì năm 2019, mức lương tối thiểu vùng I đã tăng (theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP) lên 4.180.000 đồng. Chính vì vậy, nếu căn cứ xử phạt hành chính theo mức lương tối thiểu, thì sẽ không xảy ra các vấn đề như sự bất ổn giá trị đồng tiền theo thời gian.
Ví dụ, nếu hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” quy định điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP bị phạt 100 – 300 nghìn đồng. Thay vào đó, có thể sửa đổi phạt mức tiền bằng nửa tháng lương tối thiểu hoặc gấp đôi, gấp ba mức lương tối thiểu tùy theo mức độ vi phạm.
Điểm chính ở đây là giải quyết được bài toán mức tiền phạt bị mất giá trong các thời điểm hiện tại và tương lai. Mức lương tối thiểu thì “bám sát” nhất vào giá trị đồng tiền thời điểm đó. Mức lương tối thiểu là thước đo cho sự phát triển của kinh tế, hơn nữa cũng phù hợp với tình trạng đời sống xã hội. Mức lương tối thiểu có thể trở thành “đơn vị tính” ổn định và phù hợp theo sự phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ để quy định mức hình phạt trong luật pháp.
Phạt bằng tiền, mà đơn vị tính là “lương tối thiểu” vừa thể hiện tính răn đe vừa có giá trị ổn định hơn. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của hành vi phạm pháp mà số lượng “tháng lương tối thiểu” bị phạt cũng điều chỉnh theo. Hơn nữa, nó cũng đúng với mục đích của phạt tiền là biện pháp tác động có mức độ nghiêm khắc cao hơn so với cảnh cáo.
HẠNH MỸ
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/xu-phat-bang-tien-hay-dung-don-vi-tinh-la-muc-luong-toi-thieu-a429309.html