noel giáng sinh vui vẻ
Thứ sáu, Tháng mười một 8, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiQuan điểm“Xã hội bội thực thơ dở” – Mệnh đề đúng hay sự...

    “Xã hội bội thực thơ dở” – Mệnh đề đúng hay sự vô can?

    Nhận định “Xã hội bội thực thơ dở” là một mệnh đề đúng hay sự vô can? Ai là người được quyền tuyên bố về hay – dở trong văn nghệ?

    Mới đây, một chuyện hài hước đã diễn ra trong khuôn khổ một hội thảo về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Cụ thể, nhiều đại biểu nhắc vấn đề “xã hội đang bội thực thơ dở”.

    Nó thậm chí còn thành tít một bài báo được nhiều người đọc. Tất nhiên, tôi hiểu, khi nói tới “thơ dở” thì không chỉ riêng thơ, mà nó còn là văn chương, âm nhạc, hội họa…và nhiều ngành riêng lẻ làm nên tổng thể đời sống văn nghệ.

    Có đại biểu nói đại ý: Đời sống quay lưng với thơ văn nói chung vì người đọc bây giờ không đọc.

    Nói vậy thì thật oan cho người đọc, và oan cả cho ngành xuất bản.

    Từ 1/7/2005, khi Luật Xuất bản 2004 có hiệu lực, thị trường xuất bản phẩm đã có sự thay đổi rõ nét. Năm nay, theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, số đầu xuất bản phẩm điện tử năm 2022 ước đạt 3200 với 15 triệu lượt người sử dụng (tương đương với 32 – 35 triệu bản sách được đọc), tăng 59% so với năm 2021.

    Về sách in, tính đến hết tháng 11/2022, toàn ngành xuất bản được đạt 29.781 cuốn (giảm 16%) với 469.966.348 bản (tăng 8%).

    Thống kê cũng cho thấy, mức sản xuất bình quân/người/năm đạt 4,9 bản (chưa tính sách điện tử và sách nói) – tăng 5,4%. Nếu tính cả sách điện tử và sách nói sẽ vào khoảng 5,2-5,3 bản/người/năm, trong đó có 2,7 bản không phải sách giáo khoa và sách tham khảo, bổ trợ phổ thông.

    Doanh thu các nhà xuất bản ước đạt 3.200 tỷ, tăng 6%.

    Nghĩa là nhân dân còn đọc sách rất nhiều. Số liệu thống kê không nói dối về điều này.

    Thật ra, đời sống đang “bội thực” thơ dở không phải không có cái hay, nếu xét từ “quy luật lượng – chất” – một trong số các quy luật cơ bản thuộc về nền tảng triết học mà chúng ta tin tưởng.

    Friedrich Engels nói rất rõ: “Những thay đổi đơn thuần về lượng, đến một mức độ nhất định, sẽ chuyển hóa thành những sự khác nhau về chất” (C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 1994, tập 20, trang 179)

    Điều này cũng không xa lạ hay mâu thuẫn gì với một nguyên tắc của triết học phương Đông – “Cùng tắc biến, biến tắc thông” (Kinh Dịch).

    Nghĩa là, chúng ta có quyền tin rằng, theo các nguyên lý trên, đời sống nhiều tác phẩm dở và cần phải dở nhiều nữa thì mới có tác phẩm hay ra đời. Về cơ học, chắc không có trạng thái nào đỉnh cao như trạng thái “bội thực” – và nó đang diễn ra như tuyên bố của khá nhiều Người Viết. Nên từ giờ trở đi, ta có quyền mơ về những tác phẩm văn nghệ hay phải không?

    Không ai cấm được giấc mơ. Nhưng có lẽ, vấn đề đặt ra với những Người Viết ở đây không phải là trịch thượng nhận xét về một đời sống “bội thực” cái dở mà phải đặt ra câu hỏi”: Tại sao không có (hoặc chưa có) thơ hay, chưa có tác phẩm văn nghệ hay? Tại sao trong một đời sống ngồn ngộn chất liệu như lúc này lại không có tác phẩm nào ghi lại được? Phải chăng cái dở chưa đến mức “bội thực”? Hay bởi những tài năng có hạn? Hay Tâm – Trí của Người Viết chưa thực sự đồng hành?

    Cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết:

    “Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ

    Chỉ dựng xây đời là khó khăn thôi”

    Có lẽ, thay vì nhận xét về đời sống bằng tư thế vô can, thì những Người Viết nên im lặng mà cặm cụi viết đi. Tác phẩm sẽ tự cất tiếng nói khi đến tay Nhân dân. Mà Nhân dân thì thường không bao giờ sai trong đánh giá những thứ hay – dở ở đời.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU