Ưu tiên dòng vốn vào nông nghiệp
Ngày 13/12, tại Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND Thành phố Cần Thơ tổ chức hội nghị “Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng ĐBSCL”.
Tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, ĐBSCL được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp, là vùng sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản, lúa gạo và rau quả lớn nhất của cả nước.
Thời gian qua để tạo lập môi trường và tạo đà cho phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các ngành hàng nông sản chủ lực NHNN đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngày 5/12 mới đây, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 – 2% cho toàn hệ thống các TCTD, trong đó Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn.
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN: Đến cuối tháng 11/2022, kết quả hoạt động ngân hàng tại khu vực ĐBSCL đạt các chỉ tiêu tích cực: Huy động vốn đạt 718.905 tỷ đồng, tăng 8,68% so với cuối năm 2021. Dư nợ đạt 955.451 tỷ đồng, tăng 13,53% so với cuối 2021. Tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn luôn được các TCTD quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 540.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cuối năm 2021.
Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng của ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính và NHNN, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các địa phương vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung.
Cam kết hạn mức tín dụng và giảm lãi suất
Tại hội nghị, một số doanh nghiệp đã chia sẻ một số khó khăn về vốn vay, tín dụng trong năm qua. Theo đó, ông Hoàng Minh Nhật – Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật về lĩnh vực lúa gạo xuất khẩu cho biết, năm 2022, Vietcombank dành cho Hoàng Minh Nhật hạn mức vốn tăng 20% so với năm trước và 4 lần hỗ trợ lãi suất từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay. Mặc dù hỗ trợ lãi suất quá tốt với người kinh doanh, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận dễ dàng kịp thời mùa vụ hơn.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển Aria Đồng Tháp chuyên sản xuất chế biến xuất khẩu cá tra cũng cho hay, hai quý đầu năm xuất khẩu cá tra tốt nhưng hai quý cuối năm khó khăn do cuộc xung đột Nga – Ukraine và việc các quốc gia thi nhau phá giá đồng nội tệ ảnh hưởng xuất khẩu cũng như vấn đề tỉ giá có những ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu. Vậy nên, ông Hải cũng kiến nghị NHNN giữ ổn định mặt bằng tỉ giá và giảm lãi suất.
Về phía các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng GĐ phụ trách Điều hành Ngân hàng TMCP Công thương Vietinbank cho biết, ngân hàng sẽ cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên dành nguồn vốn ưu đãi để đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu nguồn vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng với mức lãi suất, phí dịch vụ hợp lý.
Ngoài ra, từ nay đến Tết nguyên đán, Vietinbank cam kết dành hạn mức giải ngân thêm 5.000 tỷ đồng và giảm lãi suất 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng với dư nợ bằng đồng Việt Nam đối với nhu cầu thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực ĐBSCL.
Ông Nguyễn Việt Cường – Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng cho biết, từ đầu năm 2022 cho đến nay, ngân hàng đã được NHNN giao tốc độ tăng trưởng tín dụng là 18,53% tương đương với mức tăng dư nợ gần 200.000 tỷ đồng, trong đó, Vietcombank có 16 Chi nhánh hoạt động tại khu vực ĐBSCL với mức tăng trưởng dư nợ trên 14%.
Kết quả này thể hiện cam kết của Vietcombank trong việc cung ứng đủ vốn tín dụng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn ĐSBCL cũng như trên cả nước. Tính đến 30/11/2022, Vietcombank đã hỗ trợ cho các khách hàng tại khu vực ĐBSCL với doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất gần 300 tỷ đồng.
Theo đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị trong ngành ngân hàng bám sát diễn biến của thị trường, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiên định ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống.
Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý theo các Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Chủ động tiếp cận người dân, doanh nghiệp thuộc ngành hàng thủy sản, lúa gạo, rau quả,… để đánh giá về nhu cầu tín dụng nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn để doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của vùng ĐBSCL.
Thống đốc yêu cầu các TCTD tiếp tục tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhất là các lịnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, phân bổ tín dụng hợp lý cho khu vực trọng điểm như ĐBSCL. Các ngân hàng đã tuyên bố các gói tín dụng ưu tiên phải trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ đúng như cam kết.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/uu-tien-rot-them-von-cho-nong-san-dong-bang-song-cuu-long-a585531.html