noel giáng sinh vui vẻ
Thứ năm, Tháng chín 12, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiGiáo dụcTp.HCM: Loay hoay môn Giáo dục địa phương, giáo viên gánh thêm...

    Tp.HCM: Loay hoay môn Giáo dục địa phương, giáo viên gánh thêm vất vả

    Môn học Giáo dục địa phương chưa có tài liệu chính thức hoặc giáo viên giảng dạy bằng file PDF là thực trạng khó khăn tại Tp.HCM.

    Mỗi nơi mỗi kiểu, giáo viên “tự bơi”

    Giáo dục địa phương là môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Môn học này cung cấp cho học sinh kiến thức hữu ích về nơi sinh sống; bồi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần xây dựng đất nước.

    Ở cấp tiểu học, nội dung Giáo dục địa phương (GDĐP) được tích hợp với hoạt động trải nghiệm của học sinh. Còn cấp THCS và THPT nội dung này có thời lượng 35 tiết/năm học. Mặc dù là môn bắt buộc, nhưng từ đầu năm học 2022 – 2023 đến nay, khối lớp 3, 7 và 10 tại Tp.HCM vẫn chưa có tài liệu GDĐP chính thức để giáo viên dạy và học sinh học.

    Bà Vũ Thị Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của, Tp.Thủ Đức cho biết, nhà trường mới tổ chức dạy môn Giáo dục địa phương ở khối lớp 6.

    Căn cứ vào nội dung các chủ đề có trong tài liệu do Sở GD&ĐT Tp.HCM hướng dẫn, giáo viên phụ trách sẽ soạn chương trình và tổ chức các hoạt động giảng dạy. Nhà trường phân công giáo viên môn Giáo dục công dân và môn Công nghệ thực hiện tiết dạy môn Giáo dục địa phương với thời lượng 1 tiết/tuần.

    Tương tự, ông Phan Minh Trung, Hiệu trưởng Trường THCS Gò Xoài, huyện Bình Chánh cho hay, để chuẩn bị thực hiện chương trình mới, nhà trường đã bố trí giáo viên Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân tham gia tập huấn nội dung chương trình Giáo dục địa phương.

    Tuy nhiên, hiện nay, những giáo viên trên mới tham gia giảng dạy ở khối lớp 6, còn khối lớp 7 vẫn chờ. Việc sắp xếp giáo viên các môn học khác kiêm nhiệm là do có sự gần gũi, phù hợp về chuyên môn và sau đó là đảm bảo số tiết nghĩa vụ của giáo viên thực hiện trong tuần theo quy định.

    Bà Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp, quận Gò Vấp cũng chia sẻ: “Đội ngũ giáo viên hiện chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn. Các giáo viên được phân công giảng dạy các môn tổ hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử – Địa lý), các môn và hoạt động giáo dục mới (Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Giáo dục địa phương) gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm những môn mới chưa được đào tạo chính quy”.

    Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 thông tin, do đầu học kỳ I chưa có tài liệu nội dung giáo dục địa phương lớp 10 nên nhà trường chưa tổ chức giảng dạy môn học này cho học sinh khối 10 mà chờ đến học kỳ II mới giảng dạy.

    “Với 35 tiết/năm, trường đang tính toán thời lượng giảng dạy phù hợp trong học kỳ II để không ảnh hưởng đến các môn học khác đồng thời đảm bảo nội dung chương trình môn học”, ông Khương nói.

    Đại diện Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5 cũng cho biết, nhà trường đang chờ tài liệu chính thức ban hành mới đưa vào giảng dạy nội dung giáo dục địa phương.

    “Chương trình GDPT 2018, nhà trường được quyền linh động trong việc tổ chức giảng dạy, thiết kế chương trình, nên ngay cả khi nội dung giáo dục địa phương được giảng dạy vào học kỳ II cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc kiểm tra, đánh giá học sinh, chỉ khó là có thể bị động trong thiết kế thời gian giảng dạy”, vị này chia sẻ.

    Cần linh hoạt trong khi chờ giải pháp chung

    Cuối tháng 9/2022, Sở GD&ĐT Tp.HCM làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa GDPT giai đoạn 2020 – 2022.

    Tại đây, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, đối với tài liệu môn Giáo dục địa phương, từ năm 2020, đơn vị đã tổ chức biên soạn, lấy ý kiến các Sở, ngành để hoàn thiện cấu trúc nội dung cho từng cấp học theo yêu cầu của chương trình mới, đồng thời gắn với lịch sử phát triển của Tp.HCM.

    “Các khối lớp 1, 2, 3, 6, tài liệu Giáo dục địa phương đã được phê duyệt, nhưng sở không có chức năng in ấn, phát hành nên đã có văn bản đề xuất Bộ GD&ĐT hướng dẫn phương án thực hiện. Sở đã kiến nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn pháp lý cụ thể và chặt chẽ để các địa phương chủ động in ấn và phát hành tài liệu Giáo dục địa phương”, ông Quốc nói.

    Hiện nay, tài liệu cho lớp 7, 10 đã hoàn thành biên soạn trình hội đồng thẩm định, phê duyệt. Sau khi được UBND Tp.HCM phê duyệt, Sở này sẽ báo cáo về Bộ GD&ĐT.

    Giáo dục - Tp.HCM: Loay hoay môn Giáo dục địa phương, giáo viên gánh thêm vất vả

    Học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang, quận 5, Tp.HCM tham dự giờ học ngoại khóa môn Ngữ Văn tại sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh qua vở Bông hồng cài áo.

    Theo một lãnh đạo phụ trách chuyên môn bậc học của Sở GD&ĐT Tp.HCM, việc biên soạn tài liệu GDĐP khác với tài liệu môn học khác. Một vấn đề cấp địa phương làm sẽ khó hơn tài liệu về khoa học giáo dục.

    Ví dụ, khoa học giáo dục có nhiều chuyên gia, nhiều tư liệu, nhiều nguồn tham khảo. Còn nội dung GDĐP cần có tính phù hợp, tính đảm bảo yêu cầu của địa phương…

    Do đó, phần triển khai thẩm định phải kỹ dù khẩn trương tối đa nhưng cũng không tránh được việc chậm với thời gian của năm học. Sau khi UBND Tp.HCM thẩm định xong, Sở GD&ĐT Tp.HCM gửi Bộ GD&ĐT cũng cần thời gian nghiên cứu, góp ý hoặc đề nghị địa phương điều chỉnh phù hợp với quy định.

    Cũng theo cán bộ chuyên môn này, giải pháp phù hợp là khi có tài liệu thì các trường bổ sung, điều chỉnh vào kế hoạch dạy học cụ thể. Không có giáo viên chuyên trách nhưng các giáo viên được phân công, đều đã được tập huấn chương trình.

    Qua đó, giáo viên các tổ bộ môn trao đổi phân công giáo viên có năng lực phù hợp nhất, thực hiện tốt nhất thậm chí có thể mở rộng cho học sinh giao lưu với các chuyên gia, nhà văn hóa hoặc tổ chức tiết học trải nghiệm.

    “Khi nói về di tích lịch sử, văn hóa thì giáo viên vẫn là người phụ trách nhưng tổ chức hoạt động học có thể mời chuyên gia am hiểu chia sẻ. Mục tiêu cuối cùng vẫn là cung cấp cho học sinh kiến thức, phát huy năng lực tư duy hiểu biết, giáo dục học sinh lòng yêu nước, yêu quê hương, thể hiện ước mơ, hoài bão”, cán bộ này đánh giá.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU