Theo thông tin từ Bộ Tài chính, đến hết tháng 11 năm 2022, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Ngoài ra, ghi nhận bổ sung 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang (đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.
Trong tháng 11 năm 2022, ghi nhận các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị 66,4 tỷ đồng thu về 309,7 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thoái vốn tại CTCP sách và TBTH Tiền Giang với giá trị 1,1 tỷ đồng thu về 6,1 tỷ đồng.
SCIC thoái vốn thành công tại 2 doanh nghiệp là CTCP Điện máy với giá trị là 61,4 tỷ đồng thu về 276 tỷ đồng và thoái tại CTCP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 15 với giá trị 3,8 tỷ đồng thu về 27,5 tỷ đồng.
Lũy kế 11 tháng năm 2022, ghi nhận các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 592,9 tỷ đồng, thu về 3.671,4 tỷ đồng.
Theo đó, trong 11 tháng năm 2022, SCIC đã thực hiện bán vốn tại 21 doanh nghiệp với giá trị là 276,9 tỷ đồng, thu về 1.100 tỷ đồng; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thoái vốn tại Công ty cổ phần Bưu điện với giá trị 182 tỷ đồng, thu về 1.409 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thoái vốn tại 2 doanh nghiệp với giá trị là 73 tỷ đồng, thu về 89 tỷ đồng; Tổng công ty Viễn thông Mobifone thoái vốn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á với giá trị là 0,06 tỷ đồng, thu về 0,35 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thoái vốn tại CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang với giá trị 60,3 tỷ đồng thu về 1.072 tỷ đồng và thoái vốn tại CTCP Hóa chất Việt Trì với giá trị là 0,004 tỷ đồng thu về 0,026 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đánh giá, hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành đầy đủ, tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1479 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2022 – 2025 theo các hình thức: duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; cổ phần hóa, sắp xếp lại (bao gồm hình thức sáp nhập, giải thể); chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn Nhà nước (thoái vốn) giai đoạn 2022 – 2025.
Chính phủ đặt mục tiêu thoái vốn tại 141 doanh nghiệp và cổ phần hoá 19 doanh nghiệp Nhà nước, có vốn Nhà nước đến năm 2025.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thoai-von-nha-nuoc-thu-ve-gan-4-000-ty-dong-sau-11-thang-a583498.html