Nhiều bất cập khi “khai mỏ trong phố”
Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa nhận được văn bản đề nghị xin tận thu đất thừa trong quá trình thực hiện dự án sản xuất lắp ráp ô tô tại xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc do Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu) làm chủ đầu tư.
Theo phương án thi công của chủ đầu tư, trong quá trình san gạt, hạ thấp độ cao tại dự án dự kiến có hơn 5,5 triệu m3 đất dôi dư. Để “xử lý” khối lượng đất dư thừa này, trong tháng 10/2023, Công ty TNHH Mạnh Nguyễn Tiến (đơn vị được chủ đầu tư ký hợp đồng thi công gói thầu san lấp, chuẩn bị mặt bằng cho dự án) có đơn xin tận thu đất dôi dư tại dự án này.
Tuy nhiên, việc khối lượng đất dư thừa tại dự án quá lớn tới hơn 5,5 triệu khối, cùng với vị trí dự án nằm gần khu vực dân cư, cũng kéo theo nhiều nguy cơ như: ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, áp lực giao thông… khiến quá trình tận thu cần nhiều thời gian đánh giá, xem xét kỹ lưỡng.
Theo chia sẻ của một số người dân địa phương với Người Đưa Tin, khi biết thông tin dự kiến khai thác, vận chuyển tận thu hơn 5,5 triệu khối đất tại dự án, người dân tại các khu vực lân cận tỏ ra ái ngại trước nguy cơ cuộc sống thường nhật bị xáo trộn. Ngoài ra, vị trí dự án nằm sát Quốc lộ 1A nên trong quá trình khai thác, vận chuyển cũng làm tăng lưu lượng phương tiện tai khu vực này, nguy cơ phát sinh mất an toàn giao thông trên tuyến.
“Khi có thông tin dự án ô tô lớn về chúng tôi rất mừng, tuy nhiên, về việc di chuyển tới hơn 5,5 triệu khối đất ra khỏi dự án thì chúng tôi lại rất lo lắng về khói bụi, tai nạn giao thông xảy ra khi nhiều xe chở đất ở khu vực chúng tôi sinh sống. Chưa kể, khu vực thực hiện dự án gần Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Bà Triệu, việc khai thác khói bụi có thể ảnh hưởng lớn địa điểm tâm linh đặc biệt này. Trong khi đó, trước đây Công ty Vinaxuki cũng đã xây dựng cơ bản các nhà xưởng nhưng không thấy hoạt động tận thu đất chuyển ra ngoài”, một người dân tại xã Triệu Lộc, Hậu Lộc cho biết.
Bên cạnh đó, do trữ lượng khai thác tận thu rất lớn với hơn 5,5 triệu khối đất, nguy cơ sẽ làm xáo trộn, “méo mó” hoạt động kinh doanh khoáng sản, đấu giá mỏ trên địa bàn và ảnh hưởng lớn nhất có lẽ là các mỏ khai thác đất có vị trí ít thuận lợi hơn tại các vùng phía Tây tỉnh Thanh Hóa.
Thực tế, theo ghi nhận từ Người Đưa Tin, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có nhiều mỏ đất đang được khai thác (với trữ lượng nhiều mỏ trung bình khoảng từ 300.000 – 500.000 khối) tại các huyện phía Tây như Thạch Thành, Vĩnh Lộc xa khu dân cư, xa các trung tâm đô thị lớn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ với quãng đường dài, phát sinh nhiều chi phí.
Trong khi đó, dự án ô tô kể trên có vị trí “đắc địa”, gần các khu vực đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như Hoằng Hóa, Tp.Sầm Sơn… và các dự án giao thông trọng điểm có nhu cầu san lấp rất lớn. Vì vậy, đất thừa tại dự án này sẽ dễ dàng thuận lợi di chuyển tới cung cấp phục vụ nhu cầu san lấp tại các khu vực trên. Vì vậy, việc tận thu hơn 5,5 triệu khối đất không qua đấu giá cũng có nguy cơ phát sinh tiêu cực cho hoạt động đấu giá mỏ tại các khu vực này, khi nhiều nhà đầu tư sẽ cảm thấy ít hấp dẫn hơn do vấp phải sự cạnh tranh từ việc tận thu đất dự án ô tô kể trên.
Trao đổi nhanh với Người Đưa Tin về việc di chuyển hơn 5,5 triệu khối đất ra khỏi khu vực dự án, ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết, vừa qua tỉnh có văn bản yêu cầu huyện nghiên cứu, làm rõ việc đảm bảo các yêu cầu theo quy định đối với việc di chuyển khối lượng lớn đất trong khu vực thực hiện dự án ra bên ngoài, đảm bảo tính khả thi của dự án. Vì vậy, huyện đang tiến hành thực hiện.
Về vấn đề nguy cơ ô nhiễm môi trường, cũng như gia tăng áp lực về lưu lượng giao thông trong quá trình di chuyển khối lượng lớn đất như nêu trên, vị lãnh đạo huyện Hậu Lộc thừa nhận những nguy cơ về ô nhiễm môi trường, cũng như gia tăng các vấn đề về an ninh trật tự trên địa bàn là không thể tránh khỏi, nhất là tại khu vực đông dân cư.
“Chắn chắn trong quá trình di chuyển khối lượng lớn đất như vậy sẽ gia tăng các vấn đề về khói bụi, ô nhiễm môi trường cũng như áp lực về an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực. Tuy nhiên, việc ảnh hưởng cụ thể như thế nào cần có sự đánh giá định lượng, định tính của cơ quan chức năng. Phía huyện đang nghiên cứu đánh giá phương án đảm bảo thực hiện việc di chuyển đất ra khỏi dự án”, ông Hoàng chia sẻ.
Nguy cơ “núp bóng” khai thác khoáng sản không qua đấu giá từ tận thu đất?
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, Thanh Hóa những năm gần đây có tốc độ phát triển kinh tế rất ấn tượng. Trong năm 2023, địa phương này có tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 7%, đứng thứ 3 của nhóm địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, GRDP đạt mức 280.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020.
Với sự phát triển nhanh chóng, thời gian qua tốc độ đô thị hóa tại địa phương này cũng tăng tốc từng ngày, kéo theo nhu cầu xây dựng, vật liệu xây dựng như đất, đá, cát, sỏi… tăng cao nhất là tại các địa bàn “đô thị hóa” trọng điểm như Tp.Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa…
Trên tinh thần đảm bảo cung ứng phục vụ nhu cầu phát triển, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa thực hiện quyết liệt việc đẩy nhanh quy hoạch, thăm dò các mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường. Trong đó, hoạt động đấu giá mỏ được thực hiện triệt để đã giúp tìm kiếm được các nhà đầu tư có năng lực khai khoáng cũng như tránh thất thoát, tăng thu ngân sách nhà nước trong khai thác tài nguyên.
Song song với những điểm sáng, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã manh nha dấu hiệu lợi dụng chính sách tận thu đất đá thừa trong quá trình thực hiện dự án để núp bóng khai thác tài nguyên trái phép.
Thực tế, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều trường hợp có dấu hiệu lợi dụng tận thu khai thác khoáng sản bị xử phạt với các lỗi cơ bản như: khai thác ngoài mốc giới, quá trữ lượng, sai quy định, sai thời gian, sai phương án… đi kèm với khói bụi, ô nhiễm môi trường, xuống cấp hạ tầng kỹ thuật.
Đơn cử, trong năm 2022 và 2023, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong quá trình tận thu như: dự án tận thu tại xã Cẩm Long, Cẩm Thủy của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển thương mại Hoàng Đức; phát hiện xử phạt một đối tượng xã Thành Minh, huyện Thạch Thành lợi dụng hạ thấp độ cao, khai thác đất mang ra khỏi địa phương trái phép; xử phạt Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Ngọc Yến khai thác ra ngoài mốc giới…
Hay mới đây, đoàn liên ngành của Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&M) tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các điểm “tận thu” đất trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại thời điểm kiểm tra, hầu hết các đơn vị tận thu đều có vi phạm như: điểm tận thu tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, Công ty TNHH Vận tải xây dựng Đăng Khoa; điểm tận thu của Công ty TNHH Hùng Quân TH, điểm tận thu của Công ty TNHH Năm Phong, điểm tận thu Công ty TNHH Xây dựng thương mại Vân Dũng cùng tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân.
Trước thực tế trên, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa liên tục có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra giám sát trong các hoạt động tận thu khoáng sản trên địa bàn.
Qua đó có thể thấy khi thực hiện khai thác khoáng sản “chính quy” theo quy trình đấu giá mỏ với nhiều khâu thẩm định chặt chẽ trong thời gian dài, cùng hoạt động đấu giá mỏ minh bạch, cạnh tranh, với các biện pháp khai thác hiện đại an toàn… trong khi việc khai thác khoáng sản “núp bóng” hoạt động tận thu trong quá trình thực hiện dự án được cho là dễ dàng hơn, đồng nghĩa chi phí thấp hơn.
Trở lại với dự án ô tô nghìn tỷ của Công ty CP Giải trí Nghe nhìn Toàn Cầu, về phía chủ đầu tư của dự án trên, theo tìm hiểu của Người Đưa Tin cho thấy, Công ty CP Giải trí Nghe nhìn Toàn Cầu mặc dù là chủ đầu tư dự án ô tô đầy tham vọng, với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, tuy nhiên trước thời điểm được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận thực hiện dự án sản xuất lắp ráp ô tô lại có rất ít thông tin trong hoạt động liên quan tới ngành công nghiệp ô tô và gần như “trắng bảng” thông tin khi tiến hành các bước tìm kiếm cơ bản trên không gian mạng. Vì vậy, tham vọng thực sự của Công ty CP Giải trí nghe nhìn Toàn cầu tại dự án này đang là một “ẩn số” mà người dân xứ Thanh mong chờ được giải đáp trong thời gian tới.
Trao đổi với Người Đưa Tin về các vấn đề pháp lý trong hoạt động khai thác khoáng sản, Luật sư Lê Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Luật Khang Lợi (Tp.Thanh Hóa) cho biết, việc xin cấp phép khai thác mỏ đất là quá trình tương đối “gian nan”, vì vậy có không ít nguy cơ nhiều đơn vị lợi dụng chính sách tận thu khoáng sản trong quá trình san nền, hạ thấp độ cao để núp bóng khai thác khoáng sản với quy mô lớn.
Cơ bản để có thể khai thác khoáng sản “chính quy” theo hình thức khai mỏ sẽ bao gồm nhiều thủ tục, hồ sơ cơ bản như: Đơn đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản; Bản đồ khu vực khai thác khoáng sản; Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt và bản sao giấy chứng nhận đầu tư; Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường; Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì phải có văn bản xác nhận trúng đấu giá; Văn bản xác nhận vốn chủ sở hữu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 53 của Luật này. Đồng thời, sau khi khai thác còn các bước thủ tục xử lý cải tạo môi trường, hoàn trả mặt bằng…
Tuy nhiên, đối với hồ sơ cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản cơ bản bao gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; Bản đồ khu vực khai thác tận thu khoáng sản; Dự án đầu tư khai thác tận thu khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt; bản sao giấy chứng nhận đầu tư; Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Như vậy, để được cấp phép khai thác khoáng sản theo hình thức các mỏ, nhà đầu tư phải thực hiện qua nhiều bước thủ tục.
Trong khi đó, tại địa bàn Thanh Hóa, để nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ khai mỏ, các nhà đầu tư có nhu cầu phải trải qua quá trình đấu giá khốc liệt, giúp tăng thu cho Nhà nước số tiền lớn.
Việc tận thu khoáng sản sẽ có ít bước thủ tục hơn, thời gian chấp thuận nhanh hơn, phương pháp khai thác đơn giản…, từ đó, dễ xuất hiện nguy cơ lạm dụng việc tận thu khoáng sản để khai thác manh mún, giảm chi phí. Đáng ngại hơn là các điểm tận thu này thường nằm trong các khu dân cư nên dễ phát sinh vấn đề về an sinh xã hội, ô nhiễm môi trường, phương án khai thác… có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân xung quanh.
“Vì vậy, với trách nhiệm tham mưu quản lý, các đơn vị chức năng theo thẩm quyền cần thận trọng xem xét trước khi ra quyết định thực hiện cấp phép tận thu nhằm đảm bảo quy định pháp luật, hài hòa lợi ích người dân quanh khu vực”, Luật sư Thiện cho biết.
Việt Phương
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thanh-hoa-bat-cap-tai-du-an-o-to-nghin-ty-cua-cong-ty-toan-cau-a668804.html