Zing đưa tin, ngày 21/11, chị Nguyễn Phương Hạnh – con gái nhạc sĩ Phú Ân – xác nhận ông qua đời lúc 23h49 ngày 19/11 sau thời gian mắc trọng bệnh.
Tang lễ của nhạc sĩ Phú Ân được cử hành lúc 7h ngày 25/11 tại Nhà tang lễ Thành phố, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Lễ truy điệu diễn ra lúc 8h cùng ngày. Sau đó, nhạc sĩ được an táng tại Công viên Tưởng niệm Thiên Đức, Phú Thọ.
“Bố tôi ra đi vì tuổi cao, sức yếu dù được các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô tận tình chăm sóc, cứu chữa. Bố tôi ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Ông chìm vào giấc ngủ sau khi tạm biệt mẹ tôi cùng các con, cháu chắt và để lại sự tiếc nuối vô hạn. Những ngày cuối đời, ông vẫn lạc quan và yêu cuộc sống dù mắc trọng bệnh”, chị Phương Hạnh chia sẻ.
Nhạc sĩ Phú Ân sinh năm 1940, là anh trai của nhạc sĩ Phú Quang, từng học khoá 2 của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ông từng là nhạc công trong Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là tay guitar một thời được các ca sĩ “cưng” vì đệm rất hay.
Các đoàn nghệ thuật lớn cũng mời nhạc sĩ Phú Ân cộng tác như Ca múa Trung ương, Ca múa Tổng cục Chính trị, Ca múa Hà Nội, Ca nhạc Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam…
Theo Vietnamnet, ngoài biểu diễn, nhạc sĩ Phú Ân còn gắn bó với lĩnh vực sáng tác. Ông là tác giả nhiều ca khúc như: Em là sông Thương, Dòng sông bên lở bên bồi, Muôn thuở ta tìm em, Vầng trăng lặng lẽ, Em gái Đồng Đăng…. Trong đó, đáng kể nhất là The Ballad of Hồ Chí Minh (Bài ca Hồ Chí Minh) của Ewan MacColl, được nhạc sĩ Phú Ân viết phần lời Việt năm 1967 và nổi tiếng cho đến tận hôm nay.
Lần đầu tiên Bài ca Hồ Chí Minh vang lên trong nước là ở Nhà hát Lớn Hà Nội, đúng sinh nhật Bác năm 1967. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long kể theo lời NSƯT Quang Hưng, Bác Hồ thích nhất bài hát với lời này vì “không tôn vinh quá đáng”, theo Tiền phong.
Quốc Tiệp (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tac-gia-loi-viet-bai-ca-ho-chi-minh-da-qua-doi-a581554.html