“Cảm xúc hỗn độn ngày lên đường”
Một buổi chiều cuối năm, Người Đưa Tin có dịp được lắng nghe tâm sự của những sinh viên Quân y đã 3 lần vào “điểm nóng Covid-19”. Chia sẻ với chúng tôi, Thượng sĩ Lê Quang Tùng, sinh viên lớp DH50B, Học viện Quân y khẳng định, đó là những ngày “chiến đấu trong thời bình” với nhiều khó khăn và cả những kỷ niệm đẹp của tuổi 24.
Nhớ lại lần đầu tiên được giao nhiệm vụ chống dịch tại “chảo lửa” Bắc Giang, Quang Tùng xúc động: “Ngày đi, quyết định lên đường làm nhiệm vụ và thời gian xuất phát là tất cả những gì chúng tôi biết. Lúc ấy, tôi có gần một ngày để chuẩn bị, sắp xếp công việc và tư trang cá nhân. Mọi thứ thực sự gấp rút. Cảm xúc khi ấy rất hỗn độn, có chút hồi hộp, lo lắng nhưng rồi lại lạc quan nghĩ đây chỉ là một nhiệm vụ và bên cạnh mình còn có rất nhiều đồng chí, đồng đội cùng đồng hành. Phần khác, tôi lại thấy vui và tự hào vì được góp sức mình vào công cuộc chống dịch chung của cả nước”, Tùng chia sẻ về những cảm xúc trong lần đầu lên đường vào tâm dịch.
Với những kinh nghiệm đã có, chàng sinh viên tiếp tục lên đường chi viện cho miền Nam trong thời điểm dịch bệnh đang căng thẳng nhất. Trong 2 lần hỗ trợ cho Tp.HCM, Quang Tùng và những đồng chí, đồng đội luôn cố gắng hết mình, làm việc với 100% sức lực.
“Ở Bắc Giang chúng tôi được phân công nhiệm vụ lấy mẫu cộng đồng, còn khi vào Tp.HCM thì được phân công vào trạm y tế lưu động. Công việc chủ yếu là test lấy mẫu, tư vấn cho bệnh nhân về cách sử dụng thuốc, hướng dẫn các F0 điều trị tại nhà. Đối với một vài trường hợp chuyển biến nặng tôi sẽ trực tiếp xuống hỗ trợ cấp cứu ban đầu và hướng dẫn chuyển viện. Ngoài ra, chúng tôicũng hỗ trợ cho một số địa điểm tiêm trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền cho người dân về việc phòng, chống dịch bệnh. Hiện tại, tôi đang làm nhiệm vụ tại phường 13. Quận Tân Bình”, Quang Tùng cho biết.
Cũng từng 3 lần làm việc tại tâm dịch, Lê Công Danh, sinh viên lớp DH50B, Học viện Quân y kể về những kỷ niệm không thể nào quên trong thời gian chiến đấu với “giặc Covid-19”.
“Đối với tôi, kỷ niệm thì nhiều lắm, vui cũng có, buồn cũng có nhưng điều làm tôi nhớ mãi là những khoảnh khắc giành giật sự sống cho bệnh nhân. Tôi đã từng cấp cứu cho một bệnh nhân 75 tuổi. Khi đến nơi, bệnh nhân đã ngưng thở. Ngay lập tức, tôi cố gắng sơ cứu, ép tim bệnh nhân cho đến khi có lại chỉ số sinh tồn. Thế nhưng, niềm vui còn chưa kịp thì nỗi buồn lại nhân đôi khi nghe tin bệnh nhân đã qua đời trên đường đi cấp cứu”, Công Danh bồi hồi nhớ lại.
Bên cạnh nỗi vất vả, điều hạnh phúc nhất mà những bác sĩ tương lai nhận được là nụ cười và lời cảm ơn từ bệnh nhân. Đó là cảm xúc hạnh phúc không gì có thể diễn tả được.
Hơn cả, giữa gian khó, chứng kiến những mất mát, đau thương, điều còn đọng lại ở những sinh viên như Quang Tùng và Công Danh chính là những ân tình của người dân, là sự sẻ chia của đồng đội và sự cổ vũ từ hậu phương.
“Người dân Tp.HCM tình cảm lắm. Họ rất quan tâm lực lượng y tế, đi đến đâutôicũng được các cô chú, các bác hỏi thăm, động viên. Bên cạnh đó, tôi được làm việc với các tình nguyện viên khác, có thêm những người bạn mới. Đối vớitôi, đó là niềm vui và cũng là động lực để mình hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Quang Tùng tâm sự.
Đối với Công Danh, gia đình chính là động lực nhất giúp chàng bác sĩ tương lai vượt qua những rào cảm tâm lý, thêm vững tâm, lạc quan và làm tốt công việc được giao: “Mỗi lần mình lên đường, bố mẹ đều gọi điện hỏi thăm, động viên và dặn dò phải chú ý an toàn, bảo vệ bản thân và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với tôi, gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất”.
Gác lại niềm riêng
Những ngày Tết Nguyên Đán cận kề, thời điểm mà ai cũng muốn bỏ mọi gánh lo, về đoàn viên với gia đình thì những bác sĩ tương lai mang trên mình hai màu áo vẫn gác niềm riêng để phục vụ nhân dân với mong muốn dịch bệnh sẽ sớm qua đi, cuộc sống sẽ trở lại bình thường.
Với Công Danh, những ngày cuối năm không chỉ bận rộn với nhiệm vụ chống dịch mà còn đong đầy cảm xúc và nỗi nhớ gia đình.
“Đã hơn một năm tôi chưa được về nhà, dù rất muốn có một năm mới đoàn viên bên gia đình nhưng tôi hiểu rằng nhiệm vụ chống dịch lần này cần được ưu tiên. Ngày Tết của một sinh viên Quân y thú vị lắm. Có những năm, tôi được đoàn viên với gia đình, có những năm thì ăn Tết ngay tại Học viện cùng những đồng chí, đồng đội. Hiện tại, tôi vẫn đang làm nhiệm vụ tại Tp.HCM và mong rằng trong năm mới dịch bệnh sẽ sớm qua đi, mọi người đều bình an”, Công Danh bày tỏ.
Cũng như Công Danh, chàng sinh viên Quang Tùng hào hứng kể về kế hoạch đón Tết 2022: “Những năm trước, tôi có khoảng 2 tuần để về quê ăn Tết cùng gia đình nhưng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì ngày lễ của tôi trở nên đặc biệt hơn. Tết Nguyên Đán năm 2021, tôi được phân công hỗ trợ các y bác sĩ và đón Tết tại bệnh viện 103. Trong dịp Tết Dươnglịch vừa rồi, tôi tiếp tục làm những công việc thường ngày, vẫn tư vấn cho bệnh nhân và tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Năm nay, tôi rất sẵn sàng ăn Tết tại Tp.HCM, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ và cùng thành phố chống dịch. Đối với tôi thì đón Tết ở đâu cũng có niềm vui, đó là hạnh phúc của tuổi trẻ”.
Thời điểm này, dịch bệnh trên địa bàn Tp.HCM đã có những kết quả rất tích cực. Thành phố đã chuyển “màu xanh”, dần nới lỏng, mở cửa cho nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và cuộc sống của người dân đang dần trở lại trong trạng thái “bình thường mới”.
Quang Tùng nói, được như hôm nay, người dân thành phố nói chung và nhất là những người làm trong ngành y tế rất hạnh phúc, vui mừng: “Hiện tại, số ca nhiễm cũng giảm và tình hình tương đối ổn định. Mong rằng mọi người luôn giữ sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tích cực hơn nữa. Chắc chắn, với sự vững tâm, kiên trì, cuộc chiến với Covid-19 ắt sẽ thành công”.
Thu Lan
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/san-sang-an-tet-tai-tp-hcm-va-cung-thanh-pho-chong-dich-a539771.html