Con vào lớp 1, cha mẹ cần chuẩn bị rất nhiều thứ, không chỉ là mua đồng phục hay sắm sách giáo khoa. Những quy tắc “vàng” dưới đây sẽ giúp mẹ và con cùng nắm tay nhau bước qua cánh cổng trường tiểu học một cách nhẹ nhàng!
Cha mẹ nên trang bị cho con cảm xúc, kỹ năng sống
Vào lớp 1 được xem như “cánh cửa”, bước ngoặt quan trọng trong đời người. TS. Olli Kamunen – Chuyên gia về giáo dục sớm (Phần Lan), Giám đốc chuyên môn hệ thống Giáo dục Tân Thời Đại từng chia sẻ những điều cha mẹ cần lưu ý nhất trong giai đoạn Tiền tiểu học của con, đó là cảm xúc và yếu tố tâm lý.
Nếu ngay từ lần đầu tiên đi học, trẻ đã được chuẩn bị đầy đủ để sẵn sàng, giáo viên, phụ huynh tạo được cho bé tâm lý hứng thú, hào hứng thì bé sẽ có suy nghĩ rằng đi học rất thú vị và sẽ có nhìn nhận tốt về việc đi học.
Và ngược lại, nếu bé không được chuẩn bị, ngay giai đoạn chuyển tiếp bé bị “ném thẳng” vào lớp 1, các con sẽ rất dễ bị sốc, sợ hãi, áp lực khi đi học.
Theo đó, để tạo tâm lý thoải mái cho con, cha mẹ có thể cho con làm quen dần với mô hình lớp 1 từ trước như cho con tham quan trường tiểu học, làm quen với cách tương tác của giáo viên tiểu học, kể cho con nghe về những việc con sẽ làm khi vào bậc học này như sẽ dậy sớm hơn, cô giáo có thể sẽ giao bài tập, giờ chơi của con sẽ ít lại…
Đồng hành cùng con trên chặng đường dài cha mẹ không nên dọa, hoặc kể về việc học lớp 1 với những điều nặng nề, trách nhiệm vì điều này sẽ khiến con sợ hãi.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần dạy con kỹ năng nói ra cảm xúc của mình. Đó là dạy con cách gọi tên, nhận biết những cảm xúc của mình và nhìn nhận cảm xúc của người khác bằng con mắt cảm thông, bao dung để giúp trẻ vừa làm chủ được cảm xúc, vừa đồng cảm với người khác.
Cha mẹ đồng hành cùng con đúng cách
TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội) nhấn mạnh, trước tiên cần làm cho trẻ lớp 1 thích đến trường, thích đi học. Muốn vậy, phụ huynh cần kích thích sự hiểu biết, lòng ham thích đi học của con. Ví như, dẫn trẻ tham quan trường tiểu học sẽ học, kể những câu chuyện thú vị về việc học tập để khơi dậy sự tò mò và mong muốn đi học.
Cũng theo TS Vũ Việt Anh tuyệt đối lưu ý, bố mẹ không mang thầy cô giáo, trường lớp để dọa trẻ kiểu như: “Con tới trường không ngoan, không học tốt, viết xấu, bẩn… cô giáo sẽ phạt, chép lại bài, đánh vào tay…”. Thay vào đó hãy rèn cho các em thói quen gọn gàng, ngăn nắp, cách để không làm bẩn sách vở; để đồ dùng học tập đúng vị trí. Cùng trẻ trang trí góc học tập gọn gàng, sạch sẽ tại nhà; cho trẻ quyền chọn mẫu mã, màu sắc bàn ghế, tủ kê trong góc học tập theo sở thích để tạo cảm hứng học tập và trách nhiệm, ý thức gìn giữ…
Lớp 1 và bậc tiểu học được xem như nền tảng trong giáo dục phổ thông. Thành công trong học tập bậc tiểu học mang tới cơ hội lớn cho trẻ thành công ở bậc học tiếp theo. Chia sẻ điều trên, cô Lại Ánh Hường thông tin: Cha mẹ chú ý phát triển ngôn ngữ cho trẻ đảm bảo 2 yêu cầu là diễn đạt cho người khác hiểu và hiểu được người khác nói về những chủ đề gần gũi với cuộc sống. Việc này có thể thông qua nói chuyện, đọc truyện cho trẻ nghe.
“Trẻ 3 – 6 tuổi có khả năng “đọc chữ theo tranh”. Thực tế cũng cho thấy những trẻ có khả năng ngôn ngữ tốt sẽ học lớp 1 thuận lợi hơn trẻ khác…”, cô Hường khẳng định.
Cô Nguyễn Hồng Hạnh, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) với kinh nghiệm hàng chục năm dạy lớp 1 cũng lưu ý: Trẻ ngày nay thông minh, năng động, độc lập hơn nhiều so trước đây bởi được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt song nhiều em khi học lớp 1 không phát huy được thế mạnh, học tập chưa hiệu quả bởi khả năng tập trung hạn chế. Do đó, bố mẹ cần rèn cho trẻ sự tập trung. Có thể tham khảo cách thức, phương pháp qua sách báo.
Chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 cần kiên trì, nhẫn nại. Tuyệt đối không nên lấy ý muốn chủ quan của bố mẹ để áp đặt. Kỳ vọng quá lớn vào kết quả học tập, nhất là chỉ quan tâm đến điểm số cũng là một áp lực lớn khiến trẻ sợ, chán học…
Lời khuyên dành cho mẹ khi có con vào lớp 1
Con bước vào lớp 1 là một bước ngoặt quan trọng của bé và cả gia đình. Để chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện quan trọng này, theo kinh nghiệm của một phụ huynh, các mẹ nên:
– Cho con đi kiểm tra sức khỏe tổng quát trước năm học mới, đặc biệt là kiểm tra thị lực và thính giác. Việc này rất quan trọng, nếu bé bị cận thị hoặc nghe kém sẽ được phát hiện và xử lý, không ảnh hưởng đến kết quả học tập.
– Không để cho con thấy tham vọng của mình. Bố mẹ luôn mong muốn con thông minh, học giỏi, nhưng không nên quá đề cao điểm số, làm cho bé cảm thấy việc đi học như một nghĩa vụ, không còn thú vị.
– Không dạy trước các bài học trên lớp, sẽ làm bé chán khi vào học chính thức. Bạn chỉ nên dạy bé nhận biết chữ cái, số đếm.
– Khi mua sắm đồ dùng học tập cho bé, bạn nên tham khảo xem trường của bé có dùng loại đó không. Rất có thể những loại tập vở bạn mua không phù hợp với yêu cầu của nhà trường.
– Bổ sung các món ăn bổ dưỡng đảm bảo sự phát triển toàn diện về thể lực và trí não cho bé.
Trúc Chi (t/h theo Giáo Dục Thời Đại, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ Việt Nam)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nhung-ky-nang-me-khong-duoc-bo-quen-khi-con-vao-lop-1-a566544.html