noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024
spot_img
More
    Trang chủTiêu điểmNhững đặc trưng cơ bản của Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt...

    Những đặc trưng cơ bản của Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam

    Nhà nước pháp quyền (NNPQ), về bản chất, không phải là một kiểu nhà nước tương ứng với một hình thái kinh tế- xã hội theo chủ nghĩa Mác- Lenin, mà là cách thức tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước trên cơ sở chủ quyền nhân dân, trong khuôn khổ pháp luật, nhằm bảo đảm, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của con người. NNPQ được coi là một trong những thành tựu của loài người và hiện được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

    Tuy nhiên, ngoài các giá trị phổ biến, NNPQ còn bao hàm các giá trị đặc thù được xác định bởi các điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hóa, tâm lý xã hội và môi trường địa lý của mỗi dân tộc.

    Chúng không chỉ tạo ra các đặc sắc, tính riêng biệt của mỗi dân tộc trong quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển mà còn quyết định mức độ tiếp thu và dung nạp các giá trị phổ biến của NNPQ.

    Với ý nghĩa này, NNPQ là một phạm trù vừa mang tính phổ biến, vừa mang tính đặc thù; vừa là giá trị chung của nhân loại, vừa là giá trị riêng của mỗi dân tộc, quốc gia.

    Do vậy, không thể có một NNPQ như một mô hình chung, thống nhất cho mọi quốc gia, dân tộc. Mỗi quốc gia, dân tộc, tùy thuộc vào các đặc điểm lịch sử, chính trị, kinh tế – xã hội và trình độ phát triển mà xây dựng cho mình một mô hình NNPQ thích hợp. Với cơ sở chung của NNPQ cùng với tính đặc thù về lịch sử, chính trị, văn hoá, kinh tế,… Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa (NNPQXHCN) Việt Nam có những đặc trưng cơ bản sau:

    1. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

    Thứ nhất, NNPQXHCN Việt Nam là nhà nước của Nhân dân. Ở Việt Nam, chính quyền và Nhà nước ngay từ đầu đã thể hiện tính chất nhân dân và cách mạng sâu sắc, bởi vì nó chính là thành quả trực tiếp của Cách mạng tháng Tám do nhân dân thực hiện thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là chính quyền Nhà nước của nhân dân ta, do nhân dân giành được.Về mặt pháp lý, quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân đã được ghi nhận trong tất cả các bản Hiến pháp, khẳng định Nhà nướclà thiết chế quyền lực do nhân dân ta tự giác bầu ra trên cơ sở sử dụng quyền bầu cử của những công dân hoàn toàn tự do của một đất nước hoàn toàn độc lập

    Thứ hai, NNPQXHCN Việt Nam là nhà nước do Nhân dân. Nhân dân thông qua quyền bầu cử thành lập nên Quốc Hội- cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, từ đó Quốc Hội- với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thay mặt nhân dân thành lập nên các cơ quan khác của Nhà nước như Chủ tịch nước, Chính Phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. Ở địa phương, người dân cũng bầu nên Hội đồng nhân dân- cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, hội đồng nhân dân sẽ bầu ra Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Như vậy, thông qua phương thức trực tiếp và gián tiếp, nhân dân đã thành lập nên Nhà nước.

    Thứ ba, NNPQXHCN Việt Nam là nhà nước vì nhân dân, mọi chính sách và hoạt động của nhà nước đều hướng đến mục tiêu là đảm bảo lợi ích của người dân. Đặc điểm này xuất phát từ quyền làm chủ của nhân dân, bởi lẽ nhân dân chính là cội rễ, là chủ thể của quyền lực nhà nước. Nhân dân giao cho nhà nước một phần quyền lực của mình để Nhà nước thực hiện quản lý xã hội hướng đến mục tiêu vì quyền lợi của chính nhân dân. Với tư cách như vậy, trong Nhà nước pháp quyền, mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân phải là mối quan hệ tương hỗ trách nhiệm. Nhà nước phải đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân, chịu trách nhiệm với nhân dân đối với mọi hoạt động của mình và ngược lại, nhân dân cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và chịu trách nhiệm với những hành vi vi phạm pháp luật của mình- đây cũng là yếu tố để đảm bảo chức năng quản lý xã hội, bảo vệ quyền lợi cho người dân của Nhà nước.

    Xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN - Những đặc trưng cơ bản của Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam

    Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (Ảnh: Quochoi.vn).

    2. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và Pháp luật, bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội.

    Cũng như các nhà nước pháp quyền khác, NNPQXHCN Việt Nam đảm bảo tính tối thượng của Hiến pháp, pháp luật và quản lý xã hội bằng pháp luật. Pháp luật là yếu tố điều chỉnh quan hệ xã hội, điều chỉnh hành vi của cá nhân và của tập thể, pháp luật bảo đảm để mọi người có ngang quyền với nhau trong việc thực hiện những nhu cầu về quyền lựa chọn hành vi, thực hiện trách nhiệm. Nhà nước tuy là chủ thể làm ra luật, ban hành pháp luật nhưng phải chịu dự ràng buộc về thẩm quyền và trách nhiệm trước pháp luật, trong khuôn khổ các quy định của pháp luật. Phục tùng pháp luật là phục tùng ý chí và lợi ích của nhân dân. Điều này thể hiện ở tổ chức và hoạt động của Nhà nước phải theo quy định của pháp luật, các cơ quan Nhà nước đều phải tuân theo các quy định của pháp luật về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, trên cơ sở “bình đẳng trước pháp luật” mà thiết lập không chỉ mối quan hệ phối hợp (giữa các cơ quan Nhà nước với nhau) mà còn cả các quan hệ trên – dưới (mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương).

    3. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân

    Điều 3 Hiến pháp 2013 đã khẳng định vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm việc thực hiện các quyền con người, quyền công dân, ví dụ như: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” (khoản 2 Điều 24), “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội” (khoản 2 Điều 26), “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân (khoản 2 Điều 28); “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em” (khoản 2 Điều 36); “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục”, “Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân…”, “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Điều 37)… Đồng thời, Hiến pháp 2013 đã bổ sung các thiết chế độc lập nhằm tăng cường cơ chế thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, như hiến định Hội đồng Bầu cử quốc gia (Điều 117) và bổ sung quy định “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định” (đoạn 2, khoản 2 Điều 119).

    4. Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp

    Nguyên tắc này là kết quả của quá trình tìm tòi, kế thừa những hạt nhân hợp lý trên phương diện tổ chức bộ máy nhà nước cả ở trong nước và nước ngoài; là bước phát triển quan trọng cả về phương diện nhận thức lý luận và tổ chức thực tiễn trong quá trình tìm tòi, sáng tạo để xây dựng được mô hình tổ chức quyền lực nhà nước ngày càng phù hợp với tình hình đất nước. Xuất phát từ bản chất nhà nước là của nhân dân, nhân dân là chủ thể duy nhất của quyền lực nhà nước nên quyền lực nhà nước là thống nhất, vì vậy trong NNPQXHCN Việt Nam, quyền lực nhà nước không có sự phân chia như trong các nhà nước pháp quyền tư sản khác mà có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước. Cụ thể,để xác định rõ trách nhiệm, Hiến pháp quy định Quốc hội được giao thực hiện quyền lập hiến, lập pháp; Chính phủ thực hiện quyền hành phápvà Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

    Tuy nhiên, những cơ quan này không phải là cơ quan duy nhất thực hiện các quyền được phân công, mà sẽ có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước để thực hiện quyền lực nhà nước một cách tốt nhất, ví dụ như hoạt động soạn thảo và xây dựng luật của Chính Phủ, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; sự tham gia thực hiện quyền hành pháp ở các mức độ khác nhau của các cơ quan nhà nước ngoài Chính phủ,.v.v… Cần nhấn mạnh rằng,mục đích của việc phân công quyền lực nhà nước là để có cơ sở kiểm soát quyền lực nhà nước, chứ không phải là để thỏa hiệp hay chia rẽ quyền lực nhà nước. Hiến pháp 2013 đã bổ sung, làm rõ hơn thẩm quyền của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với cơ quan thực hiện quyền hành pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Đồng thời, sự ra đời của hai thiết chế Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước trong Hiến pháp 2013 đã tăng cường các công cụ để nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước trong bầu cử, trong sử dụng tài chính ngân sách Nhà nước và tài sản công một cách hiệu quả hơn.

    Xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN - Những đặc trưng cơ bản của Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam (Hình 2).

    Các ĐBQH dự họp.

    5. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo

    Lãnh đạo xây dựng NNPQ của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là trọng trách của Đảng cầm quyền, là một tất yếu khách quan, yêu cầu cần thiết mà thực tiễn đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta đặt ra. Đảng cộng sản Việt Nam là thực thể sống, thống nhất của ý chí, nguyện vọng của toàn dân trên thực tế, Đảng là một bộ phận của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo dưới nhiều hình thức, phương pháp khác nhau tuỳ thuộc vào tính chất và đặc điểm của mỗi lĩnh vực đời sống xã hội hay hoạt động nhà nước mà Đảng quan tâm. Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân, và nay Đảng tiếp tục lãnh đạo xây dựng Nhà nước, lãnh đạo hoạt động của Nhà nước nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước phải gắn liền và dựa trên cơ sở Đảng thường xuyên được đổi mới, chỉnh đốn, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, thật sự là một Đảng cách mạng chân chính.

    6. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại hoà bình, hữu nghị và hợp tác với nhân dân các dân tộc và các nước trên thế giới

    Việc xây dựng NNPQXHCN Việt Nam không chỉ thể hiện trong đường lối đối nội của nhà nước ta mà còn được thể hiện trong các chính sách đối ngoại. Chính sách đó thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân ta, thể hiện mong muốn hợp tác trên tinh thần hoà bình, hữu nghị, cùng có lợi với các nước trên thế giới với phương châm: thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới [1]. Nhờ vậy, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế đã có cách nhìn nhận mới và ngày càng được nâng lên rõ rệt.

    ThS. Nguyễn Việt Hà

    Khoa Nhà nước- Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực I

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Hiến pháp năm 2013

    2. Nguyễn Phú Trọng (2011),“Phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật

    3. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, (2021), Giáo trình Nhà nước và pháp luật Việt Nam (dành cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị), Nxb Lý luận chính trị

    [1] Điều 12 Hiến pháp 2013

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU