noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngNhiều tiềm năng trong hợp tác du lịch giữa Việt Nam và...

    Nhiều tiềm năng trong hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các quốc gia vùng Vịnh

    Nhiều sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các quốc gia vùng Vịnh đượcđưa ra tại Hội nghị “Hợp tác du lịch Việt Nam và các quốc gia vùng Vịnh (GCC): Tiềm năng và Triển vọng”.

    Ngày 15/12/2022, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị “Hợp tác du lịch Việt Nam và các quốc gia vùng Vịnh (GCC): Tiềm năng và Triển vọng”.

    Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với mục đích tìm kiếm biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác du lịch và đầu tư trong lĩnh vực du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC và kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành, hãng hàng không, khách sạn, khu nghỉ dưỡng hai bên và với các địa phương của Việt Nam.

    Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đồng chủ trì Hội nghị.

    Kinh tế vĩ mô - Nhiều tiềm năng trong hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các quốc gia vùng Vịnh

    Ngày 15/12/2022, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị “Hợp tác du lịch Việt Nam và các quốc gia vùng Vịnh (GCC): Tiềm năng và Triển vọng”. Ảnh baoquocte.vn 

    Hội nghị đã thu hút được sự tham gia của hơn 250 đại biểu trực tiếp và trực tuyến, bao gồm các vị Đại sứ, Đại biện các nước GCC tại Hà Nội và của Việt Nam tại khu vực, một số cơ quan phụ trách du lịch, đầu tư các nước GCC, đại diện một số Bộ/ngành Trung ương và các Sở/ngành phụ trách du lịch và đối ngoại một số địa phương của Việt Nam, hơn 100 doanh nghiệp lữ hành, hàng không, khách sạn, khu nghỉ dưỡng của Việt Nam và các nước GCC, một số nhà báo, blogger du lịch có uy tín tại khu vực. 

    Phát biểu chào mừng Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định Hội nghị là sự kiện xúc tiến du lịch quan trọng sau thời gian chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, là bước triển khai cụ thể Chỉ thị 15 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về đẩy mạnh công tác Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

    Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu hy vọng Hội nghị sẽ góp phần tìm ra những hướng đi mới, giải pháp mới nhằm tạo đột phá trong hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp và gia tăng hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên trong thời gian tới.

    Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định trước những thách thức và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đã chủ động, linh hoạt thích ứng, triển khai nhiều giải pháp ứng phó với đại dịch.

    Quyết định mở cửa lại du lịch quốc tế của Chính phủ Việt Nam từ ngày 15/3/2022 là hết sức quan trọng, đúng thời điểm, được đưa ra trên cơ sở những nền tảng vững chắc và những bài học quan trọng rút ra trong công tác phòng, chống dịch và thí điểm đón khách quốc tế. Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới ghi nhận là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản đi lại liên quan đến Covid-19. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng nhấn mạnh về những tiềm năng chưa được khai thác nhằm đẩy mạnh hiệu quả hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC.

    Các đại biểu đánh giá cao sáng kiến và quyết tâm của Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các nước GCC và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong việc tổ chức Hội nghị. Các ý kiến thảo luận thống nhất nhận định về tiềm năng thúc đẩy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC.

    Tuy nhiên, lượng khách du lịch từ khu vực này đến Việt Nam thời gian qua còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chỉ ở mức khoảng 6000 người/năm.

    Các đại biểu đề xuất nhiều sáng kiến cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác du lịch giữa Việt Nam và các nước GCC, trong đó có việc tăng cường tần suất và hiệu quả các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam tại khu vực, xây dựng các gói dịch vụ du lịch phù hợp với tiêu chuẩn Hồi giáo Halal, gia tăng các đường bay trực tiếp giữa giữa hai bên, đa dạng hoá hình thức vận chuyển khách như đường hàng không, đường thuỷ, chuẩn bị nguồn nhân lực thông thạo về ngôn ngữ, văn hoá Hồi giáo, đơn giản hoá thủ tục cấp thị thực…

    Các đại biểu cũng nhất trí cho rằng việc tăng cường hợp tác du lịch còn góp phần mở ra cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư. Tại Hội nghị, một số đại biểu đã trao đổi và tìm hiểu khả năng hợp tác đầu tư giữa hai bên vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch.

    Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh hoan nghênh các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, đồng thời cho rằng các nội dung thảo luận sẽ góp phần giúp các cơ quan hữu quan địa phương và doanh nghiệp Việt Nam đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường trao đổi khách du lịch giữa các nước GCC và Việt Nam. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch với khu vực trong thời gian tới.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU