Nhận thức được tầm quan trọng của chuỗi cung ứng chất bán dẫn địa phương đối với sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp vi điện tử trong nước, chính phủ Nhật Bản đã khởi động chương trình trợ cấp cho các nhà sản xuất chip trong nước.
Mới đây nhất, chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch hỗ trợ các hoạt động của Micron ở Hiroshima trị giá 46,5 tỷ yên (320 triệu USD).
Cụ thể, Micron sẽ mang kỹ thuật in thạch bản cực tím (EUV) đến Nhật Bản và “sản xuất hàng loạt chip nhớ tiên tiến” tại các trung tâm của mình gần Hiroshima, Nhật Bản, mà công ty có được khi mua lại Elpida vào năm 2013.
Theo Bloomberg, Micron sẽ nhận được tài trợ từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, thông tin về các điều kiện mà Micron phải đáp ứng để được trợ cấp chưa được công bố.
Trong một tuyên bố, Micron cho biết họ sẽ sử dụng khoản trợ cấp này để tăng cường năng lực sản xuất và tăng tốc phát triển chip nhớ DRAM 1-beta cũng như công nghệ nâng cấp mạng 5G và trí tuệ nhân tạo.
Micron sản xuất một phần đáng kể các sản phẩm DRAM của mình tại cơ sở gần Hiroshima, Nhật Bản và điều hành các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) quan trọng trong nước.
Để cập nhật DRAM, Micron và các nhà sản xuất bộ nhớ khác phải liên tục lắp đặt thiết bị mới để áp dụng các công nghệ sản xuất mới và tăng dung lượng, điều này đòi hỏi các khoản đầu tư lớn.
Vì các khoản đầu tư vào chi phí cố định (CapEx) trong ngành công nghiệp bán dẫn đang tăng lên rất cao, các nhà sản xuất chip như Micron đang tìm kiếm sự hỗ trợ và khuyến khích từ các chính phủ.
Quyết định trợ cấp cho các kế hoạch sản xuất của Micron được Nhật Bản đưa ra sau khi Microne hôm 29/9 cho biết họ đã cắt giảm 30% CapEx trong bối cảnh nhu cầu máy tính cá nhân và điện thoại thông minh giảm.
Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Khoản đầu tư vào Micron được công bố cùng tuần với chuyến thăm Nhật Bản của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Trong chuyến đi đến châu Á tuần này, bà Harris đã gặp gỡ các quan chức Nhật Bản và lãnh đạo các công ty bán dẫn để tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn trong việc sản xuất chất bán dẫn nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Micron là một trong những công ty tham gia cuộc họp mặt với bà Harris, bên cạnh Tokyo Electron, Nikon, Hitachi và Fujitsu.
Mỹ đang nỗ lực củng cố hợp tác công nghệ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, đồng thời cố gắng tăng cường sản xuất chất bán dẫn trong nước, trong bối cảnh nền kinh tế thứ hai thế giới đang đẩy mạnh đầu tư phát triển chip máy tính của riêng mình.
Nhật Bản đã thành lập quỹ riêng để hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn và quyết định hôm 30/9 là quyết định thứ ba liên quan đến lĩnh vực này.
Trước đó, Nhật Bản đã tài trợ 476 tỷ Yên (3,3 tỷ USD) cho một nhà máy mới do công ty TNHH Sản xuất chế tạo chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), tập đoàn Sony và nhà sản xuất phụ tùng ô tô Denso hợp tác xây dựng ở tỉnh Kumamoto.
Ngoài ra, quốc gia này cũng đã chi 92,9 tỷ Yên (644 triệu USD) cho một cơ sở khác do Western Digital Corp và Kioxia Corp hợp tác xây dựng ở tỉnh Mie (miền Trung Nhật Bản).
Nỗ lực lấy lại vị thế
Nhật Bản từng là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, nhưng vị thế của quốc gia này đã bị mai một trong 2 thập kỷ qua do năng lực sản xuất chip dần suy giảm.
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã chứng kiến thị phần sản lượng toàn cầu giảm do các nhà sản xuất chip mở rộng công suất ở những nơi khác, đặc biệt là ở Đài Loan, nơi sản xuất hầu hết các chất bán dẫn tiên tiến trên thế giới dưới 10 nanomet được sử dụng trong điện thoại thông minh và các sản phẩm khác.
Để tăng sản lượng, chính phủ Nhật Bản đang đầu tư hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp chip trong nước và cung cấp các khoản trợ cấp khổng lồ cho các liên doanh với các công ty từ Đài Loan và từ Mỹ.
Chính phủ nước này cũng đang tìm cách liên minh với các nước như Mỹ và EU để xây dựng một chuỗi cung ứng bán dẫn ít tập trung hơn về mặt địa lý và cách ly tốt hơn khỏi các thảm họa và bất ổn địa chính trị.
Đầu tháng 8/2022, Nhật Bản và Mỹ thông báo họ sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu chung về chất bán dẫn tiên tiến, mở cửa cho các quốc gia “cùng chí hướng” khác.
Cũng trong tháng 8, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật trong đó 52 tỷ USD sẽ được sử dụng để khuyến khích ngành công nghiệp chip hồi sinh.
Những nỗ lực mới ở cả Nhật Bản và Mỹ được coi là rất quan trọng đối với kinh tế và an ninh của hai quốc gia này. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu họ có đủ sáng kiến hay không.
Nhật Bản từng sản xuất hơn 50% nguồn cung chất bán dẫn của thế giới, cung cấp năng lượng cho máy tính Toshiba và bảng điều khiển Nintendo, nhưng thị phần của nước này đã giảm xuống còn khoảng 10% do toàn cầu hóa thúc đẩy các công ty ở các nước giàu có phải ký hợp đồng sản xuất chip ở nước ngoài.
Quốc gia này vẫn dẫn đầu thị trường về một số sản phẩm thiết yếu cho sản xuất chất bán dẫn, bao gồm hóa chất đặc biệt và tấm silicon, đồng thời gần như là quốc gia duy nhất sở hữu những công cụ chuyên môn hóa cao được sử dụng trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, họ không đủ chuyên môn để tạo ra những con chip tiên tiến chỉ được sản xuất ở Đài Loan và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, những phép tính địa chính trị về chuỗi cung ứng đã thay đổi, nhưng những yếu tố kinh tế khiến thị phần chip của Nhật Bản bị thu hẹp thì không.
Do đó, việc vực dậy ngành công nghiệp này sẽ rất khó khăn và tốn kém cho Nhật Bản, các nhà phân tích cho biết.
Nguyễn Tuyết (Theo Japan Today, Nasdaq, Financial Times, NY Times)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nhat-ban-tai-tro-cho-cong-ty-my-san-xuat-chip-a572567.html