Theo Avia-pro ngày 27/8, các máy bay chiến đấu của lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã có sự nhầm lẫn khi triển khai các cuộc tấn công bằng tên lửa.
Vài giờ trước, máy bay chiến đấu của lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã tấn công nhầm lực lượng đồng minh trong một chiến dịch quân sự ở tỉnh Raqqa, Syria. Theo nguồn tin, hậu quả của các cuộc tấn công nhầm của lực lượng hàng không vũ trụ Nga là một số thành viên từ lực lượng dân quân bảo vệ quốc gia, đồng minh của quân đội Syria đã thiệt mạng và bị thương.
Một trong những lý do có thể gây ra sự việc này nằm ở chỗ đã có sự thiếu phối hợp trong việc triển khai các hoạt động của các đồng minh quân đội Syria và lực lượng Nga. Hậu quả là máy bay chiến đấu Nga đã “gặp khó khăn” nên xác định nhầm lực lượng dân quân tự vệ quốc gia, đồng minh Syria là thành viên của nhóm khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng nên đã triển khai tấn công tức thì.
Hiện phía Nga vẫn chưa bình luận chính thức về thông tin các cuộc tấn công được cho là sai đích “của chính họ” ở Syria, tuy nhiên, nếu các thành viên của lực lượng dân quân thực sự không phối hợp hành động với bộ chỉ huy quân đội Syria và quân đội Nga thì những sự cố như thế này có thể xảy ra.
“Nga kiểm soát cẩn thận các vùng sa mạc của Syria để nhanh chóng loại bỏ các thành phần khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng nên bất kỳ hoạt động nào, đặc biệt nếu không được phối hợp với bộ chỉ huy quân sự Nga, sẽ phải đối diện với các cuộc tấn công ngay lập tức từ lực lượng hàng không vũ trụ Nga”, giới chuyên gia nhận định.
Đưa tin về sự việc này, tờ Bulgarian Military trích dẫn hãng thông tấn Syria, Massar Media Network cho biết các máy bay chiến đấu của Nga đã tấn công vào các vị trí của lực lượng dân quân bảo vệ quốc gia của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Các cuộc không kích là do nhầm lẫn, nhưng đã có binh sĩ Syria thiệt mạng và bị thương. Vụ việc xảy ra ở tỉnh Raqqa của Syria.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, lý do của “cuộc tấn công sai lầm” là do lực lượng không quân Nga và lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad thiếu phối hợp hành động.
Theo chuyên gia Nga, việc nhầm lẫn như vậy là hoàn toàn có thể xảy ra. Những sai lầm như vậy đã từng xảy ra trước đây.
Nga đã triển khai một số cuộc không kích nhằm vào một số vị trí của lực lượng khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng trong bối cảnh khủng bố của tổ chức này được cho là đã triển khai một số cuộc tấn công tàn khốc ở Kabul hôm qua.
Cuộc nội chiến khốc liệt
Cuộc nội chiến Syria đã diễn ra trong gần một thập kỷ. Những nỗ lực của các phong trào như Lực lượng Dân chủ Syria nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thất bại.
Các lực lượng dân chủ Syria dưới sự hậu thuẫn của các đồng minh và Mỹ. Trong khi đó, quân đội Syria được Nga hậu thuẫn. Nga là quốc gia duy nhất được Tổng thống Bashar al-Assad chính thức mời tới Syria để diệt trừ khủng bố.
Năm 2017, Mỹ đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa lớn nhằm vào lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad sau khi có thông tin cho rằng Tổng thống Syria đã sử dụng vũ khí hóa học để tấn công người dân nước này. Syria và Nga phủ nhận các hành động như vậy.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút phần lớn quân đội Mỹ khỏi Syria, chỉ để lại một số binh sĩ bảo vệ các mỏ dầu của Syria với lý do tránh để “rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo”.
Với sự rút lui của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố cần phải đối phó với người Kurd và phong trào PKK ở phía Bắc đất nước, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào tháng 2 năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ mất ít nhất 62 binh sĩ ở Syria. Các lực lượng do Syria hậu thuẫn đã phá hủy hàng chục xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 10 máy bay không người lái.
Vào đầu tháng 3 năm 2020, Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, ông Vladimir Putin và ông Recep Tayyip Erdogan, đã đồng thuận ký lệnh ngừng bắn có hiệu lực tại khu vực giảm leo thang Idlib. Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau đó nói rằng nếu quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không rời khỏi đất nước, Damascus sẽ sử dụng sức mạnh quân sự.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau đó nhiều lần đàm phán vì tình hình ở Idlib trở nên trầm trọng hơn. Hồi tháng 1, một cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Syria nhằm vào các vị trí của phe đối lập vũ trang và khủng bố được triển khai.
Các lực lượng chính phủ đã tái chiếm gần một nửa khu vực giảm leo thang Idlib và bỏ lại một số trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, Ankara đã tăng mạnh lực lượng quân sự của mình trong khu vực và tiến hành chiến dịch “Lá chắn mùa xuân” nhằm đẩy lùi quân đội Syria.
Trải qua nhiều các cuộc đấu tranh, với sự góp mặt của nhiều thế lực nhưng đến nay cuộc chiến ở Syria vẫn vô cùng phức tạp và chưa hẹn ngày kết thúc.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nghi-van-tan-cong-nham-muc-tieu-chien-dau-co-nga-gap-kho-o-syria-a525673.html