noel giáng sinh vui vẻ
Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024
spot_img
More
    Trang chủVăn hóaNghệ thuật tuồng: Những người giữ lửa nghề và sự tiếp nối...

    Nghệ thuật tuồng: Những người giữ lửa nghề và sự tiếp nối của dòng chảy bất tận

    Giống như nhiều hoạt động nghệ thuật và giải trí khác, tuồng cũng là một nghề “lúc người ta làm thì mình chơi, người ta chơi thì mình làm”.

    Âm thầm cuộn chảy giữa muôn vàn khó khăn

    Phải nói rằng thời hoàng kim của loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng đã xa rồi. Việc bảo tồn, phát huy giá trị bộ môn nghệ thuật này vẫn còn muôn vàn những khó khăn, thách thức.

    Làm sao để nuôi được nghề? Làm gì để luôn giữ được đam mê, nhiệt huyết với nghề trước thực trạng khó khăn, vất vả như hiện nay? Có lẽ đó là những trăn trở, day dứt của nhiều con người đã trót yêu tuồng.

    Không chỉ lớp trẻ, ngay cả những nghệ sĩ gạo cội cũng đã từng phải bươn chải, “kéo cày” miệt mài để thỏa ước nguyện sống với nghề trọn đời.

    “Vất vả lắm! Có hồi, sáng đi tập, đi diễn, tối thì ngồi may đến tận 4, 5h sáng. Cứ nghĩ hay là thôi, bỏ nghề, không làm nữa, khổ lắm… Thế rồi được các thầy, các cô khuyên nhủ nên vẫn tiếp tục cố gắng, quyết tâm sống trọn với nghề”, NSND Ánh Dương (đoàn Nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Tuồng Việt Nam) tâm sự với PV Người Đưa Tin.

    Văn hoá - Nghệ thuật tuồng: Những người giữ lửa nghề và sự tiếp nối của dòng chảy bất tận

    Tổng duyệt vở kịch “An Tư công chúa” ngày 30/10/2023. (Ảnh: Ngạo Thuyên).

    Bản thân là một nghệ sĩ trẻ đang “loay hoay” tìm cách gắn bó với nghề, bạn Trần Tuấn Hiệp (sinh năm 1998, diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam) bộc bạch: “Mình biết, nhiều người nhận xét rằng bộ môn tuồng khó hiểu và rất kén người xem. Nhưng sau cùng, đến với nghề cũng là một cái duyên, ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật tuồng đã nhen nhóm trong tim mình từ lúc nào không hay”.

    Ngoài việc phải vật lộn với cuộc sống thường nhật để có thể nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật, vẫn còn đó những lý do khách quan khiến người nghệ sĩ nản lòng. Việc giới trẻ càng ngày càng ít đi sự quan tâm tới tuồng cứ như một “bức tường” thử thách mà người làm nghề chỉ mong muốn phá dỡ.

    “Thế hệ trẻ giờ ít quan tâm đến tuồng. Không phải là không có nhưng cũng không nhiều. Mình cũng như bao nghệ sĩ khác, cảm thấy rất buồn vì bộ môn nghệ thuật mình đang cố gắng gìn giữ không được đón nhận như mong đợi. Công sức mình bỏ ra, hy sinh, tâm huyết với nghề nhưng nhận lại chỉ là sự hờ hững”, Tuấn Hiệp chia sẻ.

    Đã qua rồi thời kỳ người dân “đói” các loại hình giải trí. Bây giờ quá nhiều sự lựa chọn hấp dẫn khiến sân khấu nghệ thuật truyền thống càng ngày càng ít đi sự hiện diện trong tâm trí khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Thế nhưng, như mạch ngầm cuộn chảy, không ồn ào mà mãnh liệt, nghệ thuật tuồng vẫn luôn được bảo vệ, trao truyền và phát triển bền bỉ theo thời gian.

    Tưởng chừng như tuồng đang ngày càng ít nhận được sự quan tâm, tuy nhiên, NSND Ánh Dương lại có một góc nhìn khác: “Thực tế, người ngoài nghĩ tuồng giờ không có khán giả, biết diễn cho ai xem. Nhưng họ nhầm! Nhà hát Tuồng vẫn đi diễn suốt, mấy khi được ngơi nghỉ. Nay ký hợp đồng nọ, mai ký hợp đồng kia là chuyện bình thường mà”.

    “Dù hiện nay có rất nhiều các loại hình văn hóa, giải trí hiện đại đã xâm nhập vào văn hóa Việt Nam, nhưng nếu giới trẻ dành thời gian quan tâm, tìm hiểu thì những nghệ thuật sân khấu truyền thống như tuồng sẽ phát triển tốt hơn rất nhiều”, NSND Ánh Dương tâm sự.

    Bởi vậy mới nói, đã là nghệ thuật truyền thống, là hồn cốt máu xương của dân tộc thì không bao giờ bị lãng quên được. Với vẻ đẹp của môn nghệ thuật thể hiện giá trị và bản sắc truyền thống của dân tộc, thời kỳ nào cũng có những bộ phận khán giả dành nhiều tình yêu cho tuồng.

    “Lứa trung tuổi hay tổ chức hội họp, mời đoàn về diễn trong 1-2 đêm. Thậm chí như lớp thanh niên bên Bắc Ninh cũng rất thích tuồng, nghe nói năm nay làng này mời được đoàn tuồng về diễn thì sang năm làng kia cũng phải mời được”, NSND Ánh Dương vui vẻ nói.

    Văn hoá - Nghệ thuật tuồng: Những người giữ lửa nghề và sự tiếp nối của dòng chảy bất tận (Hình 2).

    NSND Ánh Dương hóa trang trước khi lên sân khấu. (Ảnh: Ngạo Thuyên).

    Vui vì niềm vui của khán giả

    Những ngày Tết, khi tất cả mọi người đều quây quần bên gia đình thì đoàn Tuồng lại cùng nhau đi diễn, lấy niềm vui của khán giả làm niềm hạnh phúc “khai xuân” năm mới.

    “Nhiều hội hè lắm! Bình thường đã đi diễn nhiều, đến Tết, các thôn, xã đua nhau mời  đoàn tuồng về. Có đêm tôi phải diễn 2 show. Ăn tết xa nhà mà lại thấy vui, vì mình cũng đem lại niềm vui cho khán giả”, NSND Ánh Dương bồi hồi chia sẻ. 

    “Có lúc, bọn tôi chia nhau ra, người thì bán vé, người thì xé vé, đến gần giờ diễn mới bắt đầu vào hóa trang. Làm đủ thứ trên đời luôn. Cuộc đời nghệ thuật này thì thôi rồi luôn, vất vả nhưng vui lắm!”, NSND Ánh Dương cho biết thêm.

    Đồng cảm với việc “xa nhà” ngày Tết, Tuấn Hiệp tâm sự:  “Có năm, mùng 2 Tết mình đã phải lên đường rồi, cảm giác rất buồn. Nhưng khi đi diễn với mọi người thì lại thấy vui vì đã mang đến những tiếng cười và cảm giác thưởng thức nghệ thuật đầu năm mới cho khán giả”.

    Văn hoá - Nghệ thuật tuồng: Những người giữ lửa nghề và sự tiếp nối của dòng chảy bất tận (Hình 3).

    Trần Tuấn Hiệp (bên trái) trong vở “Làm Vua”. Nhờ vở kịch này, Tuấn Hiệp nhận được Huy chương Vàng cho vai diễn Lê Hoàn (Ảnh: NVCC).

    Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận, Tết là ngày mà gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Chỉ có như vậy mới là cái Tết trọn vẹn nhất. Dù hiểu rõ tính chất nghề nghiệp, nhưng một nghệ sĩ gạo cội như NSND Ánh Dương vẫn không giấu khỏi ngậm ngùi: “Gia đình còn có tình cảm cha mẹ, người thân ruột thịt, còn kia là những người đồng nghiệp, những khán giả, chỉ là một cảm giác khác thôi, cũng bình thường lắm. Nó cũng vui, nhưng không như ở nhà được quây quần bên ông bà, cha mẹ, như vậy vui hơn nhiều…”!

    “Mình cứ yêu nghề, nghề sẽ không phụ mình”

    Dù đang “chơi vơi” giữa dòng chảy văn hóa đại chúng, thế nhưng những người nghệ sĩ tuồng vẫn gồng mình, dành hết khả năng, tâm huyết để gìn giữ, bảo tồn và mong muốn phát triển hơn nữa cùng thứ nghệ thuật mình đã trót yêu.

    Với hơn 40 năm “lăn lộn” trong nghề, NSND Ánh Dương trầm ngâm suy nghĩ: “Hiện giờ, nghệ thuật sân khấu tuồng, chèo không còn được khán giả hâm mộ nhiều, nhưng bản thân là một nghệ sĩ, nếu không tập luyện, học hỏi, làm tốt cái nghề của mình thì người ta cũng không xem. Phải tiếp cận được với khản giả, làm họ hiểu được mình, hâm mộ tài năng của mình thì họ sẽ đến. Mình cứ yêu nghề, nghề sẽ không phụ mình”, người nghệ sĩ nhắn nhủ.

    Không chỉ lớp nghệ sĩ đã có nhiều năm gắn bó với nghề, lứa hậu bối cũng luôn hào hứng tiếp nối ngọn lửa nhiệt huyết ấy để giữ gìn và lan tỏa vẻ đẹp của tuồng. Tâm sự với PV Người Đưa Tin, bạn Nguyễn Tuấn Hiệp chia sẻ: “Trong thời gian tới, mình sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt. Mình biết, nếu mình làm tốt chuyên môn nghệ thuật, gửi gắm tới khán giả các tác phẩm hay, các bạn sẽ được thu hút, thích thú và tìm hiểu nhiều hơn về bộ môn nghệ thuật này”.

    Để giữ được một đời sống tuồng mãnh liệt và bền bỉ như thế, chúng ta luôn biết ơn những nỗ lực không ngừng nghỉ của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, môn nghệ thuật nào cũng là sự tương tác qua lại giữa cả nghệ sĩ và khán giả, tuồng vẫn cần nhiều hơn sự quan tâm và hưởng ứng. Hy vọng chúng ta sẽ có một lớp khán giả trẻ không quay lưng lại với văn hóa, bản sắc dân tộc, giúp cho nét đẹp truyền thống không bị mai một theo thời gian.

    Ngọc Bảo – Ngạo Thuyên

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU