Ngành công nghiệp pin xe điện (EV) đang phát triển nhanh của Trung Quốc khả năng sẽ phải tìm kiếm khách hàng ở nước ngoài vì công suất của các nhà sản xuất pin sẽ cao hơn gấp 3 lần so với nhu cầu từ các hãng xe điện trong nước.
Các nhà sản xuất đại lục sẽ sản xuất ước tính 3.000 (GWh) pin xe điện vào năm 2025, theo báo cáo của Economic Daily, một tờ báo do Hội đồng Nhà nước Trung Quốc điều hành.
Con số này cao gấp 6 lần so với sản lượng dự kiến 500 GWh trong năm nay và gấp 3 lần nhu cầu dự kiến của các nhà sản xuất xe điện trong nước vào năm 2025. Ước tính công suất của các hãng pin EV được đưa ra dựa trên các kế hoạch mở rộng mà họ công bố, Economic Daily cho biết.
“Tin tốt là ngành công nghiệp EV của Trung Quốc đã vượt qua nút thắt cổ chai từng cản trở sự phát triển của nó”, ông Phate Zhang, người sáng lập trang tin tức về xe điện CnEVpost có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.
“Tuy nhiên, các công ty pin có thể cần phải nhìn xa hơn thị trường nội địa để đáp ứng nhu cầu của họ khi Trung Quốc đã dẫn đầu về công nghệ pin”, ông nói thêm.
Nỗ lực vươn tầm thế giới
Bên cạnh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt ở thị trường nội địa, tình trạng thiếu nguồn cung kéo dài ở EU và Mỹ cũng như nhu cầu xây dựng nhà máy gần các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) là nguyên nhân khiến các nhà cung cấp pin Trung Quốc tiến ra thị trường nước ngoài.
Sau một thập kỷ nỗ lực cải tiến công nghệ và kỹ thuật sản xuất, một số nhà sản xuất pin xe điện Trung Quốc đã giành được vị thế trên thị trường toàn cầu.
BYD, nhà sản xuất pin và lắp ráp xe điện được hỗ trợ bởi Berkshire Hathaway của Warren Buffett, cũng chiếm khoảng 13% thị phần toàn cầu, theo tổ chức nghiên cứu SNE Research có trụ sở tại Seoul.
Công ty Contemporary Amperex Technology Limited (CATL), có trụ sở tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, hiện là nhà sản xuất pin EV lớn nhất thế giới. CATL cung cấp một phần ba lượng pin EV trên toàn cầu. Các ông lớn ngành ô tô như Tesla và BMW cũng là khách hàng của công ty này.
Hồi tháng 8, CATL tuyên bố sẽ bắt đầu xây dựng một nhà máy trị giá 7,35 tỷ USD tại thành phố Debrecen, Hungary trong năm nay với công suất dự kiến hàng năm là 100 GWh khi hoàn thành vào năm 2027.
Nhà máy thứ hai bên ngoài đại lục là một bước tiến quan trọng của CATL trong việc củng cố chiến lược toàn cầu của mình. Ông trùm ngành pin dự kiến bắt đầu sản xuất tại nhà máy ở nước ngoài đầu tiên ở Thuringia, Đức vào cuối năm nay.
Một tháng sau đó, BMW AG xác nhận rằng họ sử dụng pin hình trụ lớn cho xe điện thế hệ tiếp theo do CATL và EVE Energy (nhà sản xuất pin lithium-ion Trung Quốc) sản xuất. Pin hình trụ của 2 hãng này sẽ được cung cấp từ cả Trung Quốc và Châu Âu từ năm 2025.
Cũng trong tháng 9, công ty pin xe điện Svolt Energy Technology có trụ sở tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, cho biết họ sẽ xây dựng thêm một nhà máy lắp ráp pin ở bang Brandenburg của Đức, nơi đặt trụ sở của Tesla cũng đặt trụ sở.
Năm 2020, Svolt cho xây dựng một nhà máy pin ở bang Saarland, miền Tây Nam nước Đức. Nhà máy này dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2023 nhưng hiện đang bị trì hoãn.
Tại thị trường Mỹ, BMW đã chọn hợp tác với Envision AESC, chi nhánh của Nissan Motor Corporation đã được Tập đoàn Envision có trụ sở tại Trung Quốc mua lại vào năm 2018, để phát triển công suất sản xuất 30GWh ở Nam Carolina.
Truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin Gotion High-Tech, một trong những doanh nghiệp sản xuất pin lithium sắt phosphate (LFP) hàng đầu thế giới có trụ sở tại Trung Quốc sẽ thành lập một nhà máy ở Michigan để cung cấp pin LFP cho một nhà sản xuất ô tô Mỹ giấu tên trong giai đoạn 2023-2028.
Khó khăn phía trước
Các nhà cung cấp pin xe điện Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ mở rộng ra nước ngoài, bất chấp nhu cầu không ổn định do rủi ro suy thoái kinh tế và những rào cản pháp lý ở nước ngoài, trong đó có Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) gần đây của Mỹ, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings cho biết.
IRA đặt mục tiêu thiết lập một chuỗi cung ứng xe điện hoàn chỉnh ở Mỹ và các quốc gia thuộc khu vực thương mại tự do của quốc gia này bằng cách thắt chặt các điều kiện nhận khoản tín dụng thuế 7.500 USD cho xe điện, bao gồm các yêu cầu nâng cao về nguồn cung ứng pin và vật liệu pin.
Việc nhập khẩu từ Trung Quốc không bị cấm theo IRA, nhưng các nhà cung cấp Trung Quốc có thể sẽ gặp bất lợi trên thị trường Mỹ và chịu rủi ro pháp lý cao hơn trong thời gian dài, do những nỗ lực của Mỹ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng EV, hiện đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Trên thực tế, Trung Quốc đang sản xuất tới 3/4 lượng pin toàn cầu. Tuy nhiên, sự thống trị của quốc gia này có thể bị phá vỡ bởi các chính sách bảo hộ ở châu Âu và Mỹ, theo một báo cáo của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs.
Nhiều công ty bên ngoài Trung Quốc cũng đang tìm cách thay thế nguyên liệu sản xuất pin bằng các hóa chất nhằm giảm phụ thuộc vào các khoáng chất quan trọng Trung Quốc, đồng thời gia tăng tái chế pin, các nhà phân tích của ngân hàng này cho biết.
Bên cạnh đó, nhu cầu về pin thành phẩm của Mỹ và châu Âu có thể được đáp ứng mà không cần Trung Quốc trong vòng 3 đến 5 năm tới, nhờ các khoản đầu tư lớn của LG và SK, những tập đoàn Hàn Quốc được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của Mỹ.
LG Chem cho biết họ sẽ đầu tư hơn 3 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất catốt pin ở Tennessee. Ngân hàng Goldman dự báo thị phần của các nhà sản xuất pin Hàn Quốc tại Mỹ sẽ tăng lên khoảng 55% trong 3 năm, từ mức 11% vào năm 2021.
Tuy nhiên, để đạt được chuỗi cung ứng tự cung tự cấp, các quốc gia cạnh tranh với Trung Quốc sẽ cần chi 78,2 tỷ USD cho pin, 60,4 tỷ USD cho các linh kiện và 13,5 tỷ USD cho việc khai thác lithium, niken và coban, cũng như 12,1 tỷ USD cho tinh chế của những vật liệu đó, theo tính toán của ngân hàng Goldman Sachs.
Nguyễn Tuyết (Theo SCMP, Fitch Ratings, FT, Quartz)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nganh-pin-xe-dien-trung-quoc-vi-tri-thong-tri-sap-lung-lay-a582895.html