Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả đấu thầu 16.800 lượng vàng ngày 14/5, theo đó 8 thành viên đã trúng thầu với tổng khối lượng 8.100 lượng vàng.
8 thành viên trúng thầu 81 lô, tương đương 8.100 lượng vàng. Mức giá trúng thầu thấp nhất là 87,72 triệu đồng/lượng và mức giá trúng thầu cao nhất là 87,73 triệu đồng/lượng.
Trước đó, ngày 13/5, NHNN đã có văn bản thông báo về việc tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC. Cụ thể, NHNN sẽ tổ chức đầu thầu vào 9h30 sáng ngày 14/5 (Thứ Ba).
Hình thức đấu thầu là đấu thầu theo giá với tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu tương tự như các phiên trước là 16.800 lượng. Khối lượng vàng miếng của 1 lô giao dịch là 100 lượng.
Tỉ lệ đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88 triệu đồng/lượng. Trong lần đấu thầu này, khối lượng đấu thầu tối thiểu đã giảm 200 lượng so với phiên đấu thầu gần nhất vào ngày 8/5, từ 7 lô xuống còn là 5 lô, tương đương 500 lượng.
Bên cạnh đó, khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên đặt phép đặt thầu tăng từ 20 lô (2.000 lượng) trong phiên trước lên 40 lô (4.000 lượng).
Bước giá dự thầu 10.000 đồng/lượng. Bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng). Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố.
Đây là phiên đấu thầu vàng thành công thứ 3 của NHNN. Trước đó, trong 2 phiên 23/4 và 8/5, đều chỉ đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng. Trong phiên 23/4, mức giá trúng thầu thấp nhất 81,32 triệu đồng/lượng và mức giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng. Trong phiên 8/5, mức giá trúng thầu là 86,05 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường, tại thời điểm diễn ra phiên đấu thầu giá vàng SJC được niêm yết mua vào ở mức 86 triệu đồng/lượng, giảm 1,5 triệu đồng/lươn và bán ra ở mức 89 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/lượng so với thời diểm kết phiên hôm trước. Chênh lệch mua vào-bán ra 3 triệu đồng/lượng.
Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Liên quan đến vấn đề quản lý thị trường vàng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề: Giá vàng “nhảy múa” vừa qua thì công tác quản lý như thế nào? Không lẽ cứ để “nhảy múa” như thế? Chưa bao giờ thấy thị trường mà giá vàng tăng, giảm rất đột biến như vậy. Đề nghị làm rõ công tác quản lý Nhà nước trong vấn đề này
Báo cáo giải trình tại phiên họp, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, từ năm 2022 trở lại đây, thị trường vàng trong nước đã bộc lộ những hạn chế, chênh lệch vàng miếng SJC trong nước và quốc tế thường xuyên ở mức cao.
Theo ông Hà, nguyên nhân giá vàng tăng do giá thế giới tăng và nguồn cung trong nước hạn chế, khiến giá vàng trong nước chênh lệch cao so với giá quốc tế.
Về giải pháp, ông Hà nói trước mắt sẽ tăng cung cho thị trường qua việc tổ chức các phiên đấu thầu, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá trong nước và quốc tế.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các chi nhánh 63 tỉnh, thành tăng cường quản lý Nhà nước với thị trường vàng; tiếp tục thanh tra các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có hoạt động kinh doanh vàng miếng….
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ngan-hang-nha-nuoc-dau-thau-thanh-cong-8-100-luong-vang-a663508.html