noel giáng sinh vui vẻ
Thứ sáu, Tháng chín 13, 2024
spot_img
More
    Trang chủTiêu điểm“Ngâm án” 4 năm, người dân gặp khó

    “Ngâm án” 4 năm, người dân gặp khó

    Đã 4 năm kể từ ngày ra thông báo thụ lý vụ án dân sự, đến nay TAND Tp.HCM chưa đưa ra xét xử. Trong khi đó, tài sản của bị đơn bị cấm chuyển dịch, gây nhiều hệ luỵ.

    Theo hồ sơ vụ việc, ngày 20/12/2007, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Nam và bà Nguyễn Thị Thu Hà ký Hợp đồng bán căn nhà 102 đường hẻm B2- Cộng Hòa (nay là 102 đường Thân Nhân Trung), P.13, quận Tân Bình, Tp.HCM cho bà Nguyễn Thị Tươi.

    Vợ chồng ông Nam, bà Hà có cam kết hoàn tất thủ tục hợp thức căn nhà trên theo quy định của pháp luật (cập nhật 42m2 còn lại chưa được công nhận). Tuy nhiên, thời điểm đó vợ chồng ông Nam gặp khó khăn tài chính, không thể nộp 100,8 triệu đồng tiền thuế. Vì vậy, bà Tươi đóng thay cho vợ chồng ông Nam số tiền này (đến nay ông Nam vẫn chưa trả lại). 

    Sau khi hoàn tất các thủ tục, UBND quận Tân Bình đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bà Nguyễn Thị Tươi. Sau đó, bà Tươi cho lại con trai căn nhà trên.

    Mọi việc tưởng chừng đã hoàn tất từ rất nhiều năm, thì bất ngờ đến năm 2018, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Nam kiện ra tòa án, yêu cầu hủy toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng căn nhà trên, hủy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất đã cấp cho bà Nguyễn Thị Tươi. Ngày 2/4/2018, TAND Tp.HCM ra thông báo thụ lý vụ án dân sự trên.

    Đến ngày 16/7/2020, TAND Tp.HCM ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm chuyển dịch quyền về tài sản đang tranh chấp” đối với nhà, đất tại địa chỉ 102 Thân Nhân Trung, P.13, quận Tân Bình theo yêu cầu của phía nguyên đơn. Mặc dù trước đó, tòa đã 2 lần ra thông báo từ chối yêu cầu này.

    Được biết, ông Nguyễn Hữu Nam nộp đơn kiện ra tòa với lý do trước đây, ông chỉ chuyển nhượng căn nhà trên với mục đích cho gia đình bà Tươi mượn để cầm cố, vay tiền làm ăn chứ không có giao dịch mua bán.

    Tiếng nói công dân - “Ngâm án” 4 năm, người dân gặp khó

    Hợp đồng mua bán căn nhà 102 Thân Nhân Trung và giấy cam kết nợ của vợ chồng ông Nam.

    Tuy nhiên, trao đổi với PV Người Đưa Tin, bà Vũ Thị Dung (người nhà được ủy quyền) cho biết, trước đến nay gia đình không hề làm ăn, kinh doanh nên việc trên là bịa đặt, không có thật.

    Bà Dung cho biết thêm, năm 2007, ông Nam thế chấp căn nhà trên tại Ngân hàng MB Bank. Tuy nhiên, ông Nam không có khả năng chi trả nên bà Nguyễn Thị Tươi đã đứng ra trả thay với số tiền là hơn 1 tỷ đồng cho ngân hàng (hợp đồng thế chấp vẫn còn lưu giữ). Thời điểm đó, ông Nam gọi bà Tươi là mẹ nuôi nên nhờ bà đứng ra trả giúp.

    Sau đó, vì không có khả năng trả số tiền trên cho bà Tươi, ông Nam đồng ý chuyển nhượng căn nhà cho bà.

    Cùng với đó, gia đình bà Tươi chuyển nhượng lại cho ông Nam một hợp đồng mua lô đất diện tích 500m2 tại dự án KDC phường Bình Trưng Đông, quận 2 (nay là Tp.Thủ Đức) do Công ty TNHH XD&KD Nhà Văn Lang làm chủ đầu tư và một hợp đồng mua lô đất B22-41, diện tích 150m2 tại khu đô thị trung tâm hành chính Dĩ An, tỉnh Bình Dương (đã thanh toán một phần).

    Tiếng nói công dân - “Ngâm án” 4 năm, người dân gặp khó (Hình 2).

    TAND Tp.HCM ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch tài sản với căn nhà 102 Thân Nhân Trung từ năm 2020 đến nay.

    Theo nguyên tắc, ông Nam phải thanh toán phần còn lại của hợp đồng trên để sở hữu lô đất này. Nhưng ông Nam không có khả năng thanh toán theo hẹn và đã có giấy xin khất nợ với công ty CP Đại Nam (chủ đầu tư). Tuy nhiên, sau đó ông Nam vẫn không thanh toán theo lịch hẹn nên phía chủ đầu tư không giao lô đất, đồng thời hủy hợp đồng mua bán trên.

    Còn ông Nam cho rằng gia đình bà Tươi cố tình gây khó khăn và chuyển nhượng hợp đồng mua bán đất tại “dự án ảo” (?).

    Trong khi đó, ngoài hợp đồng nói trên, ông Nam còn mua từ gia đình bà Tươi một căn biệt thự Khu nhà ở Hoàng Gia cũng thuộc dự án này. Căn biệt thự này ông Nam đã bán lại cho người khác chứ không có việc đây là “dự án ảo” như ông trình bày. Dự án khu dân cư Dĩ An có quy mô 77ha đã hoàn thành và tất cả các lô đều có sổ đỏ cách nay hơn 10 năm.

    Có thể thấy, lời khai của phía nguyên đơn có rất nhiều vấn đề bất nhất không đúng sự thật. Trong khi đó, những chứng cứ mà bên bị đơn đưa ra thì rất rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn không hiểu tại sao TAND Tp.HCM lại “ngâm” vụ án trên đến 4 năm mà vẫn chưa xét xử, đồng thời cấm chuyển dịch tài sản đến nay đã gần 2 năm.

    Bà Vũ Thị Dung cho biết, vụ việc kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Tươi. Đặc biệt, hiện nay bà Nguyễn Thị Tươi (người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc) đã trên 86 tuổi. Hiện, sức khỏe và tinh thần của bà đều không còn được tốt.

    Tiếng nói công dân - “Ngâm án” 4 năm, người dân gặp khó (Hình 3).

    Ông Nam từng thế chấp căn nhà trên cho Ngân hàng MB Bank. Sau khi bán nhà và nhận chuyển nhượng hợp đồng mua đất, ông Nam tiếp tục không có khả năng thanh toán cho Công ty Đại Nam.

    Việc kéo dài vụ việc như trên là hành vi gây khó cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi. Phía bị đơn cho biết, rất mong vụ án sớm được đưa ra xét xử dù kết quả như thế nào.

    Tuy nhiên, được biết qua rất nhiều lần tòa triệu tập, phía nguyên đơn là ông Nguyễn Hữu Nam không xuất hiện. Trong khi đó, phía TAND Tp.HCM vẫn chưa có thông báo khi nào sẽ đưa ra xét xử vụ án này.

    Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

    Nghi vấn gian lận cổ phiếu “ảo” trục lợi

    Được biết, trong vụ chuyển nhượng căn biệt thự Khu nhà ở Hoàng Gia, ông Nguyễn Hữu Nam không trả đủ tiền hợp đồng cho gia đình bà Tươi mà nợ lại 320 triệu đồng.

    Sau đó, ông Nam quy đổi số tiền trên thành 8.648 cổ phiếu của Công ty CP Chứng khoán Gia Quyền (nơi ông Nam làm Giám đốc thời điểm đó) để trả cho gia đình bà Tươi. Tuy nhiên, số cổ phiếu này đến nay không có giá trị !

    Phía gia đình bà Tươi cho rằng, ông Nam đã cố tình lừa dối, gian lận để bán cổ phiếu “ảo” nhằm trục lợi. Hiện, gia đình đã có đơn gửi các cơ quan chức năng để trình báo vụ việc.

    An Bình

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU