Gần 12.000 DN rời thị trường mỗi tháng
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình đăng ký doanh nghiệp được công bố sáng 29/12, trong tháng 12, cả nước có 10.800 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 107.200 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 72.400 lao động, giảm 9,8% về số doanh nghiệp, tăng 2,6% về vốn đăng ký và giảm 2,2% về số lao động so với tháng 11/2022.
So với tháng 12/2021, giảm 4% về số doanh nghiệp, giảm 31,7% về số vốn đăng ký và tăng 3,8% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10 tỷ đồng, tăng 13,7% so với tháng trước và giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng, cả nước còn có 6.104 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung trong năm 2022, cả nước có 148.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.590,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 981.300 lao động, tăng 27,1% về số doanh nghiệp, giảm 1,3% về vốn đăng ký và tăng 14,9% về số lao động so với năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2022 đạt 10,7 tỷ đồng, giảm 22,3% so với năm trước. Nếu tính cả 3.172,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 50.400 doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2022 là 4.763,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 59.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 38,8% so với năm 2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2022 lên 208.300 doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên có trên 200.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại thị trường trong một năm. Như vậy, bình quân một tháng có 17.400 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, năm 2022 có 1.959 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 2,0% so với năm 2021; 36.300 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 16,1%; 110.300 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 31,9%.
Cũng trong tháng 12, có 3.776 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 5,7% so với tháng trước và tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021; có 5.847 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14,8% và giảm 35,4%; có 1.761 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,8% và giảm 6,2%.
Tính chung trong năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 73.800 doanh nghiệp, tăng 34,3% so với năm 2021; gần 50.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 5,5%; 18.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 11,2%. Bình quân một tháng có 11.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Doanh nghiệp lạc quan vào quý I/2023
Cũng theo công bố của Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy, có 32,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý III/2022; 33,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 33,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Dự kiến quý I/2023, có 31,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2022; 37,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 31,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lạc quan nhất với 70,3% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2023 tốt hơn và giữ ổn định so với quý IV/2022; tỉ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt là 68,9% và 65,3%.
Bình quân 1 tháng có 17.400 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2022 (Ảnh: Phạm Tùng).
Về khối lượng sản xuất, có 34,3% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý IV/2022 tăng so với quý III/2022; 33% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và 32,7% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm. Xu hướng quý I/2023 so với quý IV/2022, có 31,4% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 38,5% số doanh nghiệp dự báo ổn định và 30,1% số doanh nghiệp dự báo giảm.
Về đơn đặt hàng, có 29,6% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý IV/2022 cao hơn quý III/2022; 35,5% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 34,9% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm. Xu hướng quý I/2023 so với quý IV/2022, có 30% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 30,6% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 39,4% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý IV/2022 so với quý III/2022, có 19,9% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 40,9% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 39,2% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Xu hướng quý I/2023 so với quý IV/2022, có 24% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 42,7% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 33,3% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nam-2022-doanh-nghiep-thanh-lap-moi-va-quay-lai-thi-truong-lap-ky-luc-a587946.html