Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo đang xem xét hợp tác với chính phủ Nhật Bản để hỗ trợ các doanh nghiệp sò điệp bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập khẩu hải sản của Trung Quốc.
Ngay sau khi Nhật Bản quyết định xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương hôm 24/8, Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm toàn diện đối với tất cả sản phẩm hải sản từ Nhật Bản.
Lệnh cấm này nhằm mục đích ngăn chặn “nguy cơ nhiễm phóng xạ đối với thực phẩm bị ảnh hưởng bởi việc xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima” và để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc, cơ quan hải quan Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Một phần đáng kể sò điệp có giá trị xuất khẩu cao của Nhật Bản được chế biến tại Trung Quốc trước khi tái xuất khẩu sang Mỹ, do đó, Mỹ đóng vai trò khá quan trọng trong lúc Nhật Bản tìm kiếm thị trường mới.
Đại sứ quán Mỹ đang liên lạc với các quan chức ngành hải sản Nhật Bản để hướng họ đến các cơ sở chế biến đã đăng ký với Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ở những nơi như Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam để tiếp tục chế biến hải sản Nhật Bản, đặc biệt là sò điệp, cho thị trường Mỹ. Sáng kiến này nhằm mục đích thiết lập một lộ trình mới để tái xuất thủy sản từ Nhật Bản sang Mỹ.
Trước đây, sò điệp Nhật Bản thường được bóc vỏ, chế biến tại các cơ sở của Trung Quốc rồi tái xuất sang Mỹ. Chỉ riêng năm 2022-2023, Mỹ đã nhập khẩu hơn 100 triệu USD sò điệp Nhật Bản thông qua Trung Quốc.
Tuy nhiên, do lệnh cấm nhập khẩu gần đây của Trung Quốc, tuyến đường này đã không còn khả dụng. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về việc giảm thu nhập của ngư dân Nhật Bản. Theo công ty nghiên cứu thị trường Teikoku Databank có trụ sở tại Tokyo, hơn 700 công ty Nhật Bản xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này.
Các cơ sở mà Mỹ đang bố trí tương tự như ở Trung Quốc và được trang bị tốt để chế biến sò điệp. Hơn nữa, họ đã được đăng ký FDA, điều kiện tiên quyết để chế biến thực phẩm nhằm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đảm bảo cho quá trình xuất khẩu diễn ra suôn sẻ.
Mỹ, một đồng minh thân cận của Nhật Bản, đã ủng hộ việc xả nước đã qua xử lý ra Thái Bình Dương vào cuối tháng 8. Quốc gia này cho rằng việc xả nước này đang được tiến hành an toàn và “phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế”.
Các quan chức Đại sứ quán Mỹ cũng đã đến Hokkaido, miền bắc Nhật Bản để gặp gỡ các nhà sản xuất sò điệp địa phương, giúp họ tìm ra cách giữ cho các sản phẩm hải sản được lưu thông giữa 2 nước, bất chấp lệnh cấm của Trung Quốc.
Nguyễn Tuyết (Theo Japan Today, Japan Forward)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/my-giai-cuu-hai-san-nhat-ban-sau-lenh-cam-cua-trung-quoc-a627376.html