Luận án tiến sĩ có tiêu đề “Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực” của một nghiên cứu sinh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.
Nhà văn Nguyễn Thu Hà nói vui: Nếu nó không phải là đề tài cấp tiến sĩ thì có lẽ đã không rộn ràng đến thế. Bởi tựu chung vì cái “lò ấp tiến sĩ” đã làm cho xã hội bị đầu độc, khiến ai nấy đều cảnh giác, dè chừng và thậm chí coi thường tất cả những gì mà cái “lò ấp” ấy đúc ra.
Có lẽ vì thế mà nhiều người đánh giá luận án này có phần tiêu cực. Nhìn nhận một cách nghiêm túc thì một nửa loài người sở hữu bộ ngực như một biểu tượng về giới tính, duy trì giống nòi, nửa còn lại thì tôn sùng, thờ phụng. Ở góc độ kinh tế thì áo ngực là một ngành hàng có tiềm năng và lợi nhuận lớn khủng khiếp.
Thống kê từ Statista – Một công ty uy tín hàng đầu thế giới về khảo sát và phân tích số liệu – công bố về ngành hàng này như sau:
“Năm 2020, thị trường bán lẻ đồ lót toàn cầu đạt giá trị khoảng 42 tỷ đô la Mỹ và dự báo sẽ đạt giá trị 78,66 tỷ đô la Mỹ vào năm 2027. Thị trường nội y thường được chia thành hai loại sản phẩm: Áo ngực và quần sịp. Áo ngực là danh mục sản phẩm hàng đầu trong thị trường đồ lót tính đến năm 2016, với 55,5% thị phần. Châu Âu và Bắc Mỹ chiếm khoảng 2/3 thị trường tính đến năm 2016. Ở Đức, có tới 25,5% phụ nữ tuyên bố sẵn sàng chi từ 30 đến 54 euro cho nội y”
Bao lâu nay, trẻ em gái Việt Nam bị “bỏ quên” hay không quan tâm bao lâu nay về trang phục phụ trợ phù hợp phát triển sinh lý. Tầm tuổi 10 – 14 không hề có áo lót để vừa giúp các con tự tin lẫn nâng đỡ cho bộ phận cơ thể rất quan trọng. Mà độ tuổi các bé, hình dạng ngực và tóc độ phát triển không đồng đều, gây ngại ngùng mất tự tin, phát triển lưng vai sai tư thế vì mặc cảm che giấu khá phổ biến. Nhà có điều kiện và sự quan tâm của mẹ thì đỡ chứ nhà nghèo hoặc thiếu quan tâm thì các cháu rất thiệt thòi.
Người có điều kiện thì tìm những nhãn hàng quốc tế có xuất xứ phương Tây, người nào không có điều kiện thì phải sử dụng hàng hóa có chất lượng thấp, chất liệu kém, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.
Các khoa thiết kế thời trang của các trường đại học uy tín hiện đầu tư rất mạnh về kĩ thuật, các đơn vị may mặc của Việt Nam cũng nhiều kỹ sư tài năng. Vì thế, nếu có một công trình nghiên cứu nghiêm túc để từ đó, ngành dệt may và tạo mẫu thời trang Việt Nam có thể tự sản xuất phục vụ cho “một nửa thế giới” trang phục lót phù hợp, hợp túi tiền thì quá tốt. Chẳng có gì lăn tăn hay đáng cười cợt ở đây cả.
Chúng ta luôn được quyền mơ về giá trị thực của những ý tưởng, nghiên cứu khoa học nghiêm túc từ thực tế cuộc sống của trí thức Việt.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/luan-an-ve-ao-nguc-thi-buon-cuoi-o-cho-nao-a573162.html