Tiếp nối xu hướng hồi phục của phiên trước, thị trưởng mở cửa tiếp tục tăng điểm, tuy nhiên sự phân hoá tại nhóm vốn hoá lớn đã khiến cho đà tăng giảm được đan xen và VN-Index không thể duy trì được sắc xanh. Thêm vào đó sự giằng co lớn đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng giữa loạt tin tức về thay đổi lãnh đạo cấp cao.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/12, VN-Index tăng 1,28 điểm, tương đương 0,12% lên 1.051,81 điểm. Toàn sàn có 221 mã tăng, 215 mã giảm và 60 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 1,63 điểm, tương đương 0,76% lên 217 điểm. Toàn sàn có 76 mã tăng, 96 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,02 điểm xuống 71,6 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 17 mã tăng giá.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.428 tỷ đồng, giảm hớn 11% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 16% xuống 12.948 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 6.124 tỷ đồng.
Tâm lý thận trọng vẫn bao trùm
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Thị trường chưa thoát khỏi trạng thái thăm dò và tranh chấp gần vùng hỗ trợ ngắn hạn thời gian qua, gần 1.040 điểm. Tuy nhiên biên độ dao động và khối lượng khớp lệnh đang được thu hẹp đi đáng kể. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng vẫn bao trùm và nhà đầu tư có vẻ đang chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường chung để đưa ra quyết định giao dịch trong thời gian tới.
Theo đó, nhiều khả năng VN-Index vẫn sẽ di chuyển trong biên dao động 1.030-1.080 điểm và nhịp hồi phục kiểm tra biên trên có thể sẽ diễn ra trong những phiên đầu tuần tới.
Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá lại trạng thái của thị trường. Có thể cân nhắc mua lướt ngắn hạn tại các cổ phiếu có cơ bản tốt khi lùi về vùng hỗ trợ nhưng cần cân nhắc chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro khi thị trường tăng đến vùng cản.
VN-Index sẽ còn điều chỉnh để tích luỹ
Chứng khoán VCBS: VN Index vấp phải áp lực chốt lời lớn và điều chỉnh ngay trước mốc kháng cự 1.100 điểm. Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN Index đã tiến vào vùng mây ichimoku tại khung đồ thị ngày nên không khó hiểu khi VN Index rung lắc mạnh. Điểm tích cực là chỉ báo RSI và MACD chỉ mới tạo 1 đỉnh vào chưa có dấu hiệu hình thành phân kỳ âm.
Do đó, VCBS nghiêng nhiều hơn về kịch bản VN Index sẽ cần tích lũy một thời gian quanh vùng 1.050 điểm để cung chốt lời ngắn hạn được hấp thụ hết trước khi có thể tiếp tục hướng lên các vùng điểm phía trên quanh 1080 và xa hơn là 1130 tương ứng với ngưỡng 0.5 và 0.382 trên thang đo Fibonacci mở rộng.
Theo đó, nhà đầu tư có tiếp tục giữ tỉ trọng cổ phiếu so với tiền ở mức vừa phải khoảng 50:50, đồng thời có thể chốt lời một phần và canh mua lại trong các nhịp sụt giảm trong phiên cho mục đích lướt sóng ngắn hạn.
Kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục trạng thái tích lũy
Chứng khoán TVSI: Nhìn chung, với việc kết tuần với cây nến giảm điểm nhẹ tại vùng kháng cự cho thấy chỉ số vẫn chỉ đang trong nhịp điều chỉnh ngắn thuần túy và chưa có tín hiệu quá xấu khi các phiên điều chỉnh vẫn duy trì thanh khoản ở mức thấp.
Hiện tại, VN-Index vẫn đang ghi nhận trạng thái tạm thời cân bằng quanh mốc 1.030 – 1.040 điểm và nhiều nhóm ngành vẫn ghi nhận mức tăng điểm so với tuần trước đó. Trong các phiên tới, kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục trạng thái tích lũy và sớm vượt mốc kháng cự ngắn hạn để tiếp diễn đà hồi phục.
Thị trường vẫn giữ được xu hướng tăng điểm ngắn hạn
Chứng khoán Phú Hưng: Theo quan điểm kỹ thuật, VN Index có phiên tăng điểm nhẹ. Khối lượng giao dịch sụt giảm xuống dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền tham gia thị trường có phần thận trọng.
Không những vậy, chỉ số duy trì đóng cửa dưới đường MA5 hướng xuống, cùng với RSI có dấu hiệu suy yếu về vùng 56, cho thấy đợt điều chỉnh khởi động từ phiên 6/12 vẫn chưa kết thúc và phiên tăng vừa qua chưa thực sự tích cực.
Tuy nhiên, xu hướng chính trong ngắn hạn có thể vẫn là phục hồi, khi chỉ số vẫn giữ được đóng cửa trên đường MA20 hướng lên và đường MACD nằm trên Signal duy trì tín hiệu mua, cho thấy đợt điều chỉnh khởi động từ phiên 6/12 có thể chỉ mang tính kỹ thuật, với hỗ trợ gần quanh vùng tâm lý 1.000 điểm.
Nhìn chung, thị trường vẫn giữ được xu hướng chính trong ngắn hạn là tăng điểm. Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng nhịp điều chỉnh để tái cơ cấu lại danh mục lướt sóng, với mục tiêu là các cổ phiếu có cơ bản tốt, đang thu hút được dòng tiền mạnh.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-duy-tri-xu-huong-tang-diem-ngan-han-a584930.html