noel giáng sinh vui vẻ
Thứ năm, Tháng mười 10, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiDân sinhKon Tum: Đìu hiu làng tái định cư

    Kon Tum: Đìu hiu làng tái định cư

    Dù được chính quyền địa phương bố trí di dời về nơi ở mới nhưng người dân không mặn mà. Ở được một thời gian, hầu hết họ lại khăn gói trở về làng cũ.

    Nhà một nơi, rẫy một nẻo

    Theo tìm hiểu của phóng viên Người Đưa Tin, vào năm 2009 trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra trận lũ “lịch sử” cuốn phăng nhiều nhà cửa, nhấn chìm nhiều diện tích hoa màu, gia súc, vật nuôi chết hàng hoạt, nhiều gia đình lâm cảnh trắng tay sau khi nước rút.

    Trước thảm họa thiên nhiên, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề. Điển hình tại làng Măng Rao, sau khi cơn bão càn quét khiến hàng trăm ngôi nhà bị tàn phá, hư hỏng, tình trạng lũ quét, sạt lở luôn trong tình trạng báo động.

    Dân sinh - Kon Tum: Đìu hiu làng tái định cư

    Làng tái định cư bị bỏ hoang cỏ dại mọc um tùm. 

    Trước tình thế cấp bách, để bảo đảm cuộc sống, tính mạng của người dân, UBND huyện Đăk Glei đã lên kế hoạch xây dựng vùng tái định cư tại thôn Măng Rao, xã Đăk Pét. Sau nhiều lần bàn bạc, thống nhất chủ trương, dự án khu tái định cư do UBND huyện Đăk Glei làm chủ đầu tư với tổng kinh phí khoảng 16 tỷ đồng.

    “Dự án nằm ở thôn Măng Rao nhưng đều là người dân thôn Đăk Đoát ở. Thời điểm đó, nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng chi phí di dời nhà ở, người dân bỏ ra 10 triệu đồng và được giao 200m2 đất/hộ ở làng tái định cư. Tuy nhiên, do nhà mới xây cách xa nương rẫy khoảng hơn 7km nên người dân ở được một thời gian rồi bỏ về nơi cũ”, bà Y Kim Lý – Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei cho biết.

    Dự án xây dựng, bố trí nhà ở cho hơn 60 hộ dân được bàn giao, sử dụng vào năm 2012. Thế nhưng, điều bất cập sau khi các hộ dân đi dời về sinh sống tại khu tái định cư được một thời gian ngắn thì đồng loạt khăn gói quay về làng cũ.

    Có mặt tại đây, theo ghi nhận của phóng viên, khu tái định cư tan hoang, xuống cấp trầm trọng. Cỏ dại mọc um tùm, những dãy nhà xây kiên cố ngày nào giờ đây rêu xanh phủ kín, nhếch nhác, ảm đạm.

    Nơi đây đìu hiu không có hộ dân sinh sống. Chỉ có duy nhất một hộ dân còn bám trụ tại đây là gia đình anh A Nhong (SN 1987) và chị Y Nhung (SN 1992).

    Vận động người dân về nơi ở mới 

    Trò chuyện với phóng viên, anh A Nhong tâm sự: “Trước đây, khu tái định cư này cũng đông vui, nhộn nhịp lắm. Thế nhưng, sinh sống được một thời gian hầu hết người dân khăn gói quay trở về làng cũ sinh sống. Chính vì vậy, gần 10 năm nay khu tái định cư này bị bỏ hoang, khiến cơ sở vật chất xuống cấp, hư hỏng”.

    Theo anh Nhong lý giải, nguyên nhân khiến người làng không mặn mà với khu tái định cư do tập quán sinh hoạt, hơn nữa nơi ở mới cách xa nương rẫy của bà con đây là nguyên nhân chính khiến người dân dứt áo ra đi.

    “Hiện nay, làng cũ nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở, thiên tai khi mưa bão nên tôi đến khu tái định cư để sinh sống. Tôi cũng mong chính quyền địa phương có những phương án đảm bảo nước sạch, đất sản xuất gần với khu tái định cư để bà con được an cư, lạc nghiệp”, anh Nhong nói.

    Dân sinh - Kon Tum: Đìu hiu làng tái định cư (Hình 2).

    Dù người làng đã khăn gói về làng cũ, nhưng vợ chồng anh A Nhong vẫn kiên quyết bám trụ sinh sống tại làng tái định cư

    Chia sẻ với phóng viên, chị Y Nhung (SN 1992, vợ anh Nhong) cho biết, trước đó, gia đình chị cũng theo người làng quay về làng cũ sinh sống. Bởi nơi ở mới cách xa nương rẫy rất vất vả cho bà con khi vào vụ mùa canh tác phải di chuyển chặng đường dài, mất thời gian.

    Thế nhưng, làng cũ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nằm dưới chân núi mỗi khi mưa bão kéo đến rất đáng sợ, lũ cuốn, lũ quét, tình trạng sạt lở luôn rình rập. Đặc biệt, về đêm mưa bão kéo đến người dân ngủ say rất nguy hiểm đến tính mạng.

    “Do đó, mạng sống mới là quan trọng còn người là còn của nên vợ chồng mình quyết định một lần nữa quay về khu tái định cư sống, chấp nhận cô đơn, vất vả nhưng về đêm có thể ngon giấc mỗi khi mưa bão kéo đến. Quay lại làng tái định cư, anh Nhong đã phải bỏ ra hơn 20 triệu mua tôn, cánh cửa để sửa chữa lại, bởi thời gian bỏ hoang quá lâu nhà đã hư hỏng, xuống cấp. Vì điều kiện còn khó khăn nên hầu như trong nhà cũng chẳng có vật dụng gì đáng giá.

    Trước thực trạng trên, đầu năm 2022, đại diện các Sở, ngành đã kiểm tra khu tái định cư Măng Rao và yêu cầu huyện Đăk Glei nghiên cứu giải pháp để sửa chữa, vận động người dân quay lại ở. Đồng thời, chính quyền xã đã đến gặp từng hộ dân thôn Đăk Đoát nhằm vận động quay lại vùng tái định cư sinh sống.

    Ông Nguyễn Khắc Tụ, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei cho biết, qua vận động thì có hàng chục hộ dân đã ký cam kết sẽ quay lại vùng tái định cư. Nhưng họ hẹn vào năm 2023 để sắp xếp việc học tập cho con.

    Trước mắt, UBND huyện Đăk Glei đã xây dựng phương án khắc phục, sửa chữa lại nhà ở và các công trình hạ tầng kỹ thuật bị hư hỏng để người dân thuận lợi trong việc quay lại khu tái định cư sinh sống. Đồng thời, những quỹ đất dư hoặc chưa có người ở sẽ bố trí cho các hộ gia đình khó khăn, thiếu đất ở, dân vùng sạt lở đến ở.

    Theo ông Tụ, không chỉ khu tái định cư Măng Rao bị bỏ hoang mà tại một số nơi khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tình trạng các khu tái định cư bỏ hoang đang khá phổ biến.

    Ngoài những lý do về văn hoá hay hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu đời sống của người dân thì lý do cơ bản được chỉ ra là hầu hết các khu tái định cư đều xa khu vực sản xuất của người dân. Giải được bài toán này sẽ giảm thiểu được tình trạng các khu tái định cư bị bỏ hoang như hiện này. 

    Bên cạnh việc vận động người làng quay về khu tái định cư, huyện Đăk Glei cũng đã đề xuất UBND tỉnh Kon Tum cho chủ trương mở rộng đối tượng được bố trí quỹ đất tại khu tái định cư, bao gồm: các hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở đang có nhu cầu tái định cư, các hộ không có đất ở, các hộ bị sạt lở về tái định cư tại khu tái định cư này.

    Đồng thời, chính quyền địa phương vẫn nỗ lực, kiên trì vận động bà con nhanh chóng di dời đến nơi ở mới, từng bước hoàn thiện công trình đường giao thông, nhà ở, trường học, trạm y tế, điện lưới sinh hoạt tại khu vực tái định cư, nhằm tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

    Không chỉ làng tái định cư tại thôn Măng Rao ở tỉnh Kon Tum rơi vào cảnh đìu hiu không người ở, khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Đăk Đrinh tại địa bàn huyện Kon Plông cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

    Như Người Đưa Tin đã phản ánh, năm 2009 dự án thủy điện Đăk Đrinh nằm trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi được khởi công xây dựng. Nhà máy có công suất 125MW, do Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – PVN) làm chủ đầu tư.

    Để thực hiện dự án này, đồng nghĩa với việc 192 hộ với 843 khẩu ở xã Đăk Nên, huyện Kon Plông phải “nhường đất”. Một khu tái định cư quy mô, khang trang, được trang bị hệ thống đường điện thắp sáng với 192 căn nhà để đưa người ra khỏi vùng lòng hồ, tránh nguy hiểm mùa mưa lũ.

    Tuy nhiên, do khu tái định cư không có đất canh tác sản xuất nên hầu hết người dân khăn gói trở về làng cũ sinh sống, bất chấp thiên tai, ngập lụt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những người dân không chịu di dời đến khu ở mới đều cho rằng, dù làng cũ sạt lở nguy hiểm nhưng họ ở từ lâu đã quen rồi, khu sản xuất thuận tiện, mọi thứ đều quen thuộc, bà con hàng xóm đông đủ nên không thích ở khu tái định cư.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU