Đề nghị thu hồi hàng loạt dự án chậm tiến độ
Ngày 9/12, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII, đại biểu Đoàn Minh Long đã chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về số dự án chậm tiến độ hoặc không thực hiện dự án từ 2-5 năm, từ 5-10 năm trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là Tp.Nha Trang. Đồng thời, giải pháp mà Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh để chỉ đạo, kiên quyết xử lý những dự án chậm tiến độ, kéo dài nói trên.
Trả lời chất vấn, ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong năm 2022, Sở đã tiến hành rà soát, các dự án có nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh triển khai chậm tiến độ hoặc không triển khai từ 2-5 năm và từ 5-10 năm là 111 dự án. Trong đó, tại địa bàn Tp.Nha Trang có 40 dự án (xã Phước Đồng có 7 dự án).
Theo ông Nam, năm 2022 là năm sau khi bị đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo xem xét giải quyết các khó khăn, xử lý đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ với mục đích là xem xét tháo gỡ khó khăn về tài chính và thủ tục triển khai dự án.
Sở cùng với các sở ngành, UBND cấp huyện đã xây dựng kế hoạch và đã được UBND tỉnh thông qua. Trong kế hoạch, xác định bước đầu số dự án đầu tư chậm tiến độ từ 2 năm trở lên là 111 dự án.
Mục tiêu của kế hoạch là làm rõ các tồn tại vướng mắc, nguyên nhân và các vấn đề liên quan; qua đó tháo gỡ các khó khăn, khắc phục các thiếu sót, xử lý các vi phạm (nếu có)… theo quy định hiện hành, cũng như các kết luận, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Từ đó, tạo điều kiện, đẩy nhanh việc tiếp tục triển khai các dự án đủ điều kiện hoặc thu hồi các dự án không đủ điều kiện.
Đối với 111 dự án nói trên, Sở chia thành ba nhóm. Thứ nhất là nhóm dự án chậm tiến độ, kiến nghị thu hồi có 12 dự án, trong đó có 7 dự án thuộc địa bàn Tp.Nha Trang. Thứ 2 là nhóm dự án có vướng mắc liên quan đến quy hoạch, mật độ xây dựng, các thủ tục đầu tư, xây dựng có 28 dự án; trong đó có 15 dự án thuộc địa bàn Tp.Nha Trang.
Và, cuối cùng là nhóm dự án tiếp tục rà soát, kiểm tra về quy hoạch, tình hình triển khai dự án; nguyên nhân chậm tiến độ; lỗi vi phạm của nhà đầu tư; xử lý vi phạm hành chính, về đất đai; quyết định ngừng hoạt động của dự án; chấm dứt hoạt động của dự án; thẩm định năng lực tài chính và kinh nghiệm của nhà đầu tư là 71 dự án (có 20 dự án thuộc địa bàn Tp.Nha Trang).
“Đối với nhóm dự án chậm tiến độ, kiến nghị thu hồi (12 dự án), Sở đã yêu cầu nhà đầu tư báo cáo tình hình thực hiện dự án. Đồng thời, Sở đã tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính (đã kiểm tra 11 dự án và ban hành quyết định xử phạt vi phạm chậm tiến độ 8 dự án) do chậm tiến độ.
Trong 8 dự án này, có 4 dự án cần kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo chuyển qua cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo quy định của Luật Đất đai để xem xét thu hồi đất; còn 4 dự án kiến nghị UBND tỉnh, Sở sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư”, ông Nam cho biết.
Đối với nhóm thứ 2, Sở đã có báo cáo rà soát gửi UBND tỉnh đối với 6/28 dự án. Sở báo cáo, kiến nghị tỉnh hướng xử lý đối với 6 dự án này. Còn 22 dự án, Sở đã yêu cầu nhà đầu tư gửi báo cáo về tình hình thực hiện nhưng mới chỉ có 8 nhà đầu tư gửi báo cáo. Với 8 báo cáo này, đã chuyển cho thanh tra sở và các Sở, ngành tiến hành kiểm tra, xử phạt hành chính do chậm tiến độ và có ý kiến tham mưu UBND tỉnh. Đồng thời, Sở sẽ tiếp tục đôn đốc yêu cầu nhà đầu tư báo cáo về 14 dự án còn lại.
Về các giải pháp, Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai và bám theo kế hoạch này để thực hiện có hiệu quả.
Xử lý các dự án chậm tiến độ gặp khó
Cũng theo ông Trần Hòa Nam, Sở đang gặp khó khăn trong việc áp dụng quy định của pháp luật về đầu tư để thực hiện xử lý đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ, thu hồi dự án đầu tư.
Theo quy định tại Điều 47 và Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020, để đủ điều kiện chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án chậm tiến độ phải thực hiện một số thủ tục như sau:
Đó là, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, lập biên bản và ban hành quyết định xử lý vi phạm do triển khai dự án chậm tiến độ. Đồng thời, quy định thời gian khắc phục vi phạm chậm tiến độ (không quá 12 tháng).
Sau thời gian khắc phục vi phạm chậm tiến độ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục kiểm tra, lập biên bản và ban hành quyết định xử lý vi phạm do triển khai dự án chậm tiến độ nếu nhà đầu tư không khắc phục được vi phạm và tiếp tục vi phạm. Đồng thời, ban hành quyết định tạm ngừng hoạt động dự án để khắc phục vi phạm (không quá 12 tháng).
Ngoài ra, sau thời gian tạm ngừng hoạt động mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ mời nhà đầu tư đến đối thoại, lập biên bản làm việc. Sau đó, báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến chủ trương về việc chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án.
“Như vậy, để đảm bảo việc chấm dứt hoạt động dự án đúng theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và tránh các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư, cần một khoảng thời gian nhất định để thực hiện đầy đủ thủ tục chấm dứt hoạt động dự án do chậm tiến độ.
Khác với Luật Đầu tư năm 2014, sẽ ban hành quyết định chấm dứt hoạt động dự án ngay khi xác định dự án chậm tiến độ, vi phạm Điểm g, Khoản 1, Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014”, ông Trần Hòa Nam chia sẻ.
Châu Tường
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/khanh-hoa-co-111-du-an-cham-tien-do-hang-loat-du-an-bi-de-nghi-thu-hoi-a584893.html