Lãi suất tiết kiệm đã xuống đáy
Theo biểu lãi suất mới nhất, cả 3 ngân hàng quốc doanh VietinBank, BIDV và Agribank đã điều chỉnh mức lãi suất tiết kiệm về 5,3%, giảm 0,2 điểm % so với trước khi thay đổi. Đây là mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tại những kỳ hạn cao hơn 12 tháng, lãi suất tiết kiệm cũng đều được đưa về tối đa 5,3%/năm, giảm 0,2 điểm %.
Động thái của VietinBank, BIDV và Agribank nối tiếp “ông lớn” còn lại trong nhóm Big4 là Vietcombank. Ngày 3/10 vừa qua, Vietcombank đã điều chỉnh lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử, thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.
Tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, lãi suất tiết kiệm cũng đang xuống mức thấp kỷ lục. Theo đó, mức lãi suất ABBank niêm yết cho kỳ hạn 9 tháng là 4,9%/năm, tại kỳ hạn 12 tháng là 4,7%/năm.
Lãi suất tiết kiệm gửi tại quầy cao nhất của MSB cũng thấp hơn nhóm Big4 với 5,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Nếu khách hàng chọn hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất cao nhất là 5,5%/năm cũng tại kỳ hạn 12 tháng.
Ngoài ra, các ngân hàng như Techcombank, SeABank hay GPBank cũng đang niêm yết biểu lãi suất từ 5,35- 5,45%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, gần tương đương với nhóm Big4.
Theo giới chuyên gia, nguyên nhân khiến lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm mạnh trong thời gian qua là do hệ thống dư thừa thanh khoản, các ngân hàng không đẩy được vốn ra thị trường do cầu tín dụng thấp.
Trong khi đó, huy động vốn của hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay tăng trưởng khá tốt. Theo số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7, tiền gửi của dân cư tăng 8,93% so với cuối năm ngoái, đạt gần 6,4 triệu tỷ đồng.
Số dư tiền gửi tiếp tục tăng trong khi lãi suất ở mức thấp cho thấy người dân đang không có quá nhiều lựa chọn đầu tư, một phần lo sợ rủi ro khi đầu tư vào sản xuất, chứng khoán và bất động sản. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp sẽ khiến cho tiền sẽ vẫn nằm nhiều trong hệ thống ngân hàng.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV do Ngân hàng Nhà nước công bố, các tổ chức tín dụng kỳ vọng bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm từ 0,26 – 0,35 điểm % trong quý cuối cùng của năm.
Tiền gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn nhất
Bàn về kênh tiền gửi tiết kiệm, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cho hay, hiện tại lãi suất huy động đã giảm xuống gần 5% so với hồi đầu năm, nhưng ông nhận thấy chưa xuất hiện dòng chuyển dịch vốn từ kênh tiền gửi tiết kiệm sang chứng khoán.
Vị chuyên gia cũng cho biết, kênh chứng khoán hiện tại có thể chưa phải điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư khi diễn biến VN-Index gần đây chỉ lình xình quanh 1.140 điểm, thậm chí mức đóng cửa những phiên giao dịch trong tuần qua chưa nổi 1.170 điểm, còn thấp so với hồi đầu tháng 9/2023.
Do đó, theo ông Hiếu, kênh chứng khoán vẫn chưa thể thu hút nhà đầu tư dù lãi suất ngân hàng đã giảm rất sâu so với hồi đầu năm.
“Tiền gửi ngân hàng vẫn là một kênh còn thu hút nhà đầu tư bởi đây là nơi an toàn nhất trong 5 kênh bất động sản (còn khá lình xình), chứng khoán, vàng (rất nhiều biến động do chiến tranh xảy ra vùng Trung Đông), ngoại tệ (không phải ai cũng được phép kinh doanh), tiền gửi”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Như vậy, tiền gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn nhất cho người gửi tiền, mặc dù lãi suất đang trong xu thế giảm, nhưng khi nhìn lại các kênh khác, có lẽ đây là kênh mà các nhà đầu tư cá nhân lựa chọn thời điểm hiện tại.
Về chính sách lãi suất, chuyên gia nhận định điều này tuỳ thuộc vào động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nếu FED vẫn tiếp tục tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải xem xét lại chính sách lãi suất của mình: Liệu có nên tiếp tục hạ lãi suất và theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ?
Còn về vấn đề tỉ giá, ông Hiếu cho rằng từ giờ đến cuối năm, tỉ giá sẽ còn tăng hơn nữa. Nguyên nhân là bởi nhu cầu nhập khẩu sẽ gia tăng do các doanh nghiệp đến mùa báo cáo doanh số, đồng thời dịp lễ hội cuối năm cầu tiêu dùng nhiều hơn, theo đó giá trị của tiền USD cũng tăng lên.
Điều thứ hai, lãi suất của FED tiếp tục tăng sẽ làm giảm giá trị tiền VND xuống, từ đó tăng tỉ giá. Thậm chí, ông cũng dự báo mức tăng tỉ giá có thể lên mức cao hơn 24.500 VND/USD.
Tương tự, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tiền gửi vẫn là một kênh thu hút dòng tiền, bởi xét theo tình hình hiện tại về các kênh đầu tư: kênh vàng còn rất nhiều bấp bênh, kênh thị trường bất động sản đang tái cấu trúc, dù giá đã giảm nhưng chưa đạt được ngưỡng mong muốn, thậm chí rủi ro cao.
Kênh chứng khoán dù đã có sự tăng giá so với hồi đầu năm, nhưng thời gian gần đây lại xuất hiện các nhịp điều chỉnh, “lúc lên lúc xuống” khó dự báo khiến dòng tiền không còn lựa chọn vào kênh này nữa. Do vậy, tiền gửi tiết kiệm vẫn là một trong những kênh tốt để đầu tư
Theo ông Thịnh, hồi tháng 9 vừa qua, kênh tiền gửi tiết kiệm đã hút về 4,6 triệu tỷ đồng, dù trong tháng 10, con số này có sự sụt giảm, nhưng ông nhận thấy đây vẫn là kênh mà Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, do vậy đây là một kênh an toàn để đầu tư.
Dù xét theo thực tế, khi lãi suất giảm thì sự chênh lệch lãi suất đối với thị trường quốc tế sẽ xảy ra, khiến tình hình tỉ giá ngày càng căng thẳng hơn. Nhưng vị chuyên gia cho rằng vấn đề này sẽ không gây ra sức ảnh hưởng quá lớn với mọi mặt của nền kinh tế. Bởi vì đồng VND vốn tương đối ổn định so với đồng USD, và điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua đã tương đối linh hoạt, chủ động theo nguyên tắc ổn định tỉ giá hối đoái.
Vì thế, ông Thịnh nhận thấy, có thể ở giai đoạn này, việc điều hành có sự “thả ra” đi theo thị trường, nhưng về giai đoạn sau, khi FED hạ nhiệt lãi suất, thì tỉ giá cũng sẽ giảm.
“Về nguyên tắc chung, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, trong năm 2023, nếu đồng VND có biến động so với đồng USD thì cũng chỉ tăng giảm 2-3%, chứ sẽ không biến động quá nhiều, do vậy tỉ giá vẫn sẽ ổn định”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/kenh-tien-gui-ngan-hang-van-la-diem-den-an-toan-du-lai-suat-thap-a631208.html