Chuyện cổ tích không phải là Tấm đã trả thù được mẹ con nhà Cám, không phải Thạch Sanh chiến thắng Lý Thông, càng không phải dùng Khắc Nhập- Khắc Xuất như thần chú trừng trị kẻ xấu. Chuyện cổ tích là những câu chuyện không có thật nhưng vẫn diễn ra hàng ngày quanh chúng ta. Những điều kỳ diệu mà chỉ khi ta đủ lòng tin, yêu thương ta mới nhìn ra nó.
Vẫn là motif cũ kỹ thôi: Người tốt luôn gặp điều may, kẻ xấu thì không. Người thiện lương luôn gặp phép màu và cuộc đời luôn có những ông Bụt vậy. Ông già Noel cũng vậy, ông ấy chỉ phát quà cho những đứa trẻ biết yêu thương, hành xử tử tế và đã rất cố gắng trong suốt 1 năm qua. Thì quan trọng gì ông già Noel là ai? Thì đâu có gì phải thất vọng khi thấy những ông già Noel phì phèo thuốc lá, vừa chạy xe máy vừa nhìn điện thoại check đơn hàng hay ông già Noel thực ra là chú Hiếu bạn bố đeo râu giả mặc đồ ông già Noel, hoặc những bà trẻ Noel váy ngắn nhảy nhót ngoài kia… Bởi cũng như ông Bụt ta gặp trong đời, có hàng trăm, hàng triệu dáng hình khác nhau, luôn xuất hiện lúc ta gặp chuyện.
Ai cũng từng có, từng gặp những ông Bụt như thế. Chỉ có kẻ xấu mới không thấy được ông Bụt mà thôi. Chỉ có những kẻ vô ơn, ích kỷ mới không thấy ông Bụt nào trên đời. Bởi họ chưa từng biết ơn những người đã giúp đỡ họ, chưa từng ghi nhớ ai đã chìa tay ra lúc họ gặp khó khăn.
Chúng ta vẫn gặp các ông Bụt mỗi ngày và chúng ta vẫn đang làm những ông Bụt với cuộc đời này đấy thôi. Như một lời nhắc: “Em ơi, chân chống xe kìa”, cứu một mạng người có khi như một ai đó giữ cửa thang máy giùm bạn. Như một khoản cho vay cứu bạn trong những ngày Tết đến. Như một người mang đến cơ hội công việc cho bạn. Như những đồng nghiệp nói với bạn rằng: Để công việc đấy mình làm cho, về chăm con ốm đi. Ông Bụt với hàng triệu nhân dạng khác nhau vẫn hiện ra mỗi ngày với những người tử tế. Và chính chúng ta cũng đang làm ông Bụt mà không mong cầu đền đáp vậy. Bởi lòng tốt, sự tử tế là thứ ai cũng muốn làm vì làm điều đó, lòng ta sẽ hân hoan, vui vẻ hơn.
Con cái của chúng ta cũng cần lòng tin vào cổ tích để trở thành những đứa trẻ nhân hậu, có trí tuệ cảm xúc và hướng thiện. Là lòng tin vào những phép nhiệm màu có thật và chỉ dành cho những người thiện lương, tử tế và nỗ lực mỗi ngày. Như ngày Rằm, mùng Một ta vẫn thắp nén nhang cho đức tin, vẫn chúc nhau gặp được điều tốt đẹp trong đời vậy.
Chỉ khi đó, Giáng Sinh không còn là lễ hội hóa trang, tặng quà con cái không còn mang ý nghĩa phong trào, mừng tuổi cũng không bị cảm giác về số tiền nằm trong phong bao vậy. Là con ơi, phép nhiệm màu còn nhiều lắm trong cuộc đời này. Đừng mất lòng tin. Đừng làm xơ vữa sự hồn nhiên và nhạt nhẽo niềm vui khi con được nhận những món quà. Những đứa trẻ mở quà ra và thất vọng vì món quà không như ý là bởi nó đã mất đi lòng tin vào cổ tích, nó đã chẳng hiểu ý nghĩa của món quà mà chỉ chăm chăm vào giá trị của món quà. Là chúng ta, cha mẹ chúng, đã làm chúng thành ra vậy đấy!
Hôm nay là Giáng Sinh, bạn sẽ tặng con mình lòng tin vào cổ tích chứ?
Anh Chánh Văn
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/giang-sinh-tang-con-long-tin-vao-co-tich-a587210.html