noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười 5, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngTài chínhGiá vàng trong nước và thế giới biến động trái chiều

    Giá vàng trong nước và thế giới biến động trái chiều

    Giá vàng trên thị trường thế giới tiếp tục giảm, chưa có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng thị trường trong nước vẫn duy trì ở mức cao, trái chiều.

    Thế giới giảm giá, trong nước vẫn neo cao

    Ngày 3/10, giá vàng thế giới giảm mạnh khi nhu cầu nắm giữ USD gia tăng. Cụ thể, giá vàng thế giới đã giảm từ 1.945 USD/ounce xuống 1.827 USD/ounce lúc 6h ngày 3/10. Đây là mức giá thấp nhất của thị trường vàng thế giới trong 10 tháng qua.

    Giá vàng trên thị trường quốc tế suy yếu trong bối cảnh nhu cầu nắm giữ đồng USD gia tăng, tạo đà cho chỉ số USD Index có lúc tăng từ 106,17 điểm lên 106,9 điểm, giúp đồng USD tăng giá so với 6 đồng tiền mạnh khác – gồm: Euro, JPY (Yen Nhật Bản), GBP (bảng Anh), CAD (đô la Canada), SEK (Krona Thụy Điển) và CHF (Franc Thụy Sĩ).

    Tài chính - Ngân hàng - Giá vàng trong nước và thế giới biến động trái chiều

    Giá vàng SJC hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu trong nước, không ảnh hưởng nhiều từ thị trường thế giới.

    Các chuyên gia kinh doanh vàng cho rằng nhu cầu trong nước đối với vàng đang tăng lên, dù không quá cao như những giai đoạn thị trường sôi động trước đây. Nhu cầu này đến từ việc lãi suất gửi tiết kiệm giảm nhanh, những khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng hồi đầu năm lãi suất cao giờ đến kỳ đáo hạn khách hàng rút ra và chuyển một phần sang vàng.

    Dù vậy, giá vàng SJC khi chạm vùng 67,5 triệu đồng/lượng có thể giảm trở lại vì mức giá này được thị trường nhận định là quá cao, không còn hấp dẫn. Chưa kể nhu cầu thị trường đối với vàng nhẫn 24K vẫn nhiều hơn vàng SJC, vì vàng nhẫn biến động sát giá thế giới hơn.

    Đại diện Công ty vàng Đối tác mới (NPJ) nhận định, “gần như giá vàng SJC không bị tác động bởi giá vàng thế giới”. Giá vàng SJC hiện phụ thuộc vào cung cầu trong nước và sự tác động của các yếu tố như tỉ giá USD/VNĐ. Do tỉ giá đang trên đà tăng nên ảnh hưởng tới tâm lý người nắm giữ vàng SJC và một bộ phận nhà đầu tư tích trữ an toàn. Điều này khiến cung có vượt trội so với cầu dẫn đến giá có tăng.

    Đánh giá quản lý thị trường vàng

    Nói về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Việc này khiến đầu vào của thị trường bị nghẽn lại, đẩy giá vàng trong nước lên cao, có thời điểm chênh tới 20 triệu đồng/lượng so với thế giới.

    Do đó, ông Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên cho một số nhà kinh doanh vàng uy tín, có tiềm lực tài chính nhập khẩu vàng. Thị trường trong nước cần có sàn giao dịch vàng, tương tự với các kim loại khác như đồng, chì, kẽm. Có sàn giao dịch, thông tin thị trường, bên mua, bán sẽ trở nên minh bạch dưới sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

    Về điều kiện kinh doanh vàng, chuyên gia kinh tế này nêu quan điểm nên giữ nguyên như hiện nay. Ở nhiều nền kinh tế, dù có giá cao, nhưng vàng chỉ như sản phẩm kim loại khác, có cung cầu thị trường điều chỉnh. Nhưng tại Việt Nam, người dân có thói quen tích trữ, thêm vào đó là rủi ro buôn lậu đầu cơ, việc áp dụng điều kiện kinh doanh là cần thiết.

    Giữa tháng 9/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có văn bản cho rằng nên bỏ vàng trang sức khỏi mục kinh doanh có điều kiện.

    Kinh doanh vàng được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư. Trong ngành nghề này có kinh doanh vàng, trang sức, thủ công mỹ nghệ là ngành có điều kiện. Vàng trang sức thủ công mỹ nghệ được xem là loại hàng hóa thông thường. Kinh doanh loại hàng hóa này không tác động đến lợi ích công cộng, như các loại vàng khác trong cùng nhóm kinh doanh vàng.

    “Bản thân các điều kiện kinh doanh vàng, trang sức, thủ công mỹ nghệ cũng không có tính đặc thù về một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì không rõ về mục tiêu quản lý và Nhà nước muốn quản lý gì đối với ngành nghề này”, VCCI cho biết.

    Trong khi đó, TS.Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cũng phân tích: “Bối cảnh ban hành Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đến nay đã khác rất nhiều. Vàng hiện không có vai trò tác động lớn đến thị trường tài chính nói chung như có nhiều suy nghĩ trước đây. Nhiều năm qua, Chính phủ đã kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững thị trường tài chính tiền tệ nói chung và giá trị tiền VND cũng ổn định. Từ đó, nhiều người dân không còn lựa chọn vàng là kênh tích lũy nhiều mà khi có tiền dư sẽ gửi vào hệ thống ngân hàng”.

    Do đó, ông Hiển cho rằng để vàng miếng SJC chênh lệch quá cao trên 10 triệu đồng như hiện nay sẽ khiến tình trạng buôn lậu vàng xảy ra. Từ đó khiến việc “chảy máu” ngoại tệ là có và tác động tiêu cực đến tỉ giá ngoại tệ trong nước.

    “Những người có nhiều tiền giờ đa số sẽ chọn kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản hoặc gửi tiết kiệm. Chỉ có những người buôn bán nhỏ, công nhân vì tiết kiệm tích lũy nên chỉ mua dăm ba chỉ và đây là số lượng không đáng kể. Vì vậy ông cho rằng cần xem xét lại, sửa đổi chính sách quản lý vàng phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay”, ông Hiển nêu quan điểm.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU