Đó là một trong những đề xuất được ông Trần Đình Nhân – Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên tại Hội nghị triển khai Quyết định số 1479 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Nhân, dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2022, nhưng EVN đã nỗ lực cung cấp đủ điện cho mọi nhu cầu phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của nhân dân sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, năm 2022, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao. Điển hình, giá dầu tăng vài chục phần trăm, giá khí “ăn theo” giá dầu, còn giá than tăng 600% so với đầu năm 2021. Trong khi đó, giá bán điện vẫn giữ bình ổn từ năm 2019 đến nay, dẫn đến EVN đang mất cân đối tài chính rất lớn.
Cũng theo lãnh đạo EVN, vấn đề mất cân đối tài chính dẫn đến nguy cơ EVN sẽ không có nguồn chi phí để hoạt động, có nguy cơ không có tiền trả cho các đơn vị bán điện cho EVN thời gian tới.
Kéo theo đó, hệ số xếp hạng tín dụng của EVN sẽ bị đánh giá thấp, việc vay vốn ngân hàng cho các dự án đầu tư xây dựng điện cũng sẽ vô cùng khó khăn. Thực trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Vì vậy, để đóng góp hiệu quả vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện. Tức là khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét giao EVN và các tổng công ty phát điện triển khai các dự án nguồn điện quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Đồng thời, kiến ngị Chính phủ có cơ chế, chính sách để các dự án nguồn điện, lưới điện quan trọng vì an ninh quốc gia thuộc danh mục ưu tiên của Nhà nước được sử dụng vốn vay ODA và cho EVN vay lại không chịu rủi ro tín dụng.
EVN cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, để EVN cũng như các nhà đầu tư có cơ sở triển khai các dự án nguồn, lưới điện đảm bảo việc cung ứng điện trong những năm tới.
Trước đó, EVN ước tính lỗ 15.758 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2022 và số lỗ cả năm dự kiến là 31.360 tỷ đồng do chi phí sản xuất tăng vì giá than, dầu, khí tăng.
Với tình hình tài chính hiện nay, Tập đoàn này cho biết vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện, cân đối và huy động vốn để đầu tư các dự án điện… Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của EVN năm 2023 và các năm tới.
Theo báo cáo Bộ Công Thương, giá điện đang đứng trước áp lực tăng giá khi các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng vọt từ đầu năm đến nay.
Chẳng hạn, bình quân giá than trộn của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc đã tăng 63%. Giá than nhập khẩu cũng tăng hơn gấp đôi, lên 304,8 USD một tấn. Dầu thô Brent lên 104,4 USD một thùng, gấp gần 2,5 lần.
Tính toán của EVN hồi giữa năm, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 lên mức 1.915,59 đồng/kWh. Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019, là 1.844,64 đồng/kWh.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/evn-muon-ap-co-che-thi-truong-voi-gia-dien-nhu-dieu-hanh-gia-xang-dau-a585385.html