noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiDân sinh“‘Em dương tính rồi, bây giờ phải làm sao?”

    “‘Em dương tính rồi, bây giờ phải làm sao?”

    Số ca F0 tăng lên mỗi ngày đồng nghĩa với việc Thượng tá, BS. Nguyễn Huy Hoàng luôn trong trạng thái làm việc hết công suất nhằm trấn an tinh thần các bệnh nhân.

    Hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày

    Những ngày qua, dịch bệnh tại Hà Nội vẫn có những diễn biến phức tạp, khi số ca mắc mới mỗi ngày lên đến gần 3.000 ca. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng F0 điều trị tại nhà tăng. 

    Mặc dù rất bận rộn với công việc điều trị cho bệnh nhân thở oxy tại Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng),thế nhưng Thượng tá, BS. Nguyễn Huy Hoàng đang công tác tại đây vẫn tích cực tham gia “Nhóm Bác Sĩ Quân Y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà”.

    Chia sẻ với Người Đưa tin, Thượng tá, BS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết, những ngày qua, anh đã hoạt động “hết công suất”, liên tục hỗ trợ, giúp đỡ tư vấn điều trị tại nhà cho các F0 với hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày.

    Bình tĩnh sống - “‘Em dương tính rồi, bây giờ phải làm sao?”

    Thượng tá. BS. Nguyễn Huy Hoàng,Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng tư vấn cho F0 điều trị tại nhà.

    “Thời gian gần đây, tôi tư vấn cho khoảng 100 F0 mỗi ngày. Có những cuộc gọi lúc nửa đêm, kéo dài đến nửa tiếng đồng hồ. Hầu hết, các bệnh nhân khi liên hệ với tôi đều có chung một lo lắng với câu hỏi “Em dương tính rồi, bây giờ phải làm sao?”. Lúc ấy, bệnh nhân cần nhất là sự hỗ trợ về mặt tâm lý. Tôi thường hướng dẫn họ các bước điều trị ban đầu để bệnh nhân ổn định tâm lý, an tâm điều trị”, BS. Hoàng cho biết.

    Đối với những ca bệnh đã tư vấn hay những trường hợp có dấu hiệu trở nặng, BS. Hoàng thường yêu cầu mọi người thông báo lại tình trạng bệnh và phản hồi thường xuyên để có thể nắm được diễn biến bệnh, giúp tìm hướng giải quyết phù hợp. 

    Bình tĩnh sống - “‘Em dương tính rồi, bây giờ phải làm sao?” (Hình 2).

    Bác sĩ Hoàng tư vấn về cách sử dụng thuốc trong quá trình điều trị bệnh Covid-19.

    “Có nhiều bệnh nhân trở nặng, sau được tư vấn nên nhập viện, tôi cũng yêu cầu họ cập nhật tình hình điều trị một cách thường xuyên để nắm được diễn biến bệnh. Trong một tuần trở lại đây, mỗi ngày có khoảng 4-5 bệnh nhân mà tôi hỗ trợ có triệu chứng nặng và phải nhập viện”, BS. Hoàng chia sẻ thêm.

    Tham gia nhóm tư vấn online cho F0, BS. Hoàng đã để lại số điện thoại, đơn vị công tác để người bệnh có thể gọi nhờ tư vấn khi cần. Những ngày qua, dù số lượng tin nhắn, cuộc gọi nhờ hỗ trợ nhiều đến mức không đếm xuể nhưng người thầy thuốc mang trên mình hai màu áo vẫn nhiệt tình giúp đỡ bệnh nhân, bác sĩ khẳng định: “Tôi không hề mệt mỏi, áp lực gì cả”.

    Bình tĩnh sống - “‘Em dương tính rồi, bây giờ phải làm sao?” (Hình 3).

    BS. Hoàng lan tỏa thông điệp “Bạn vẫn đẹp khi đeo khẩu trang” của Bộ Y tế.

    Không “đánh trống bỏ dùi”

    Thời gian này, mỗi ngày với BS.Hoàng đều rất bận rộn, kể cả những ngày lễ hay dịp cuối tuần. Thế nhưng, với tinh thần làm hết trách nhiệm của một người thầy thuốc, BS. Hoàng luôn tranh thủ thời gian, sắp xếp công việc cá nhân để tư vấn cho người bệnh từ xa. 

    Chia sẻ về cách sắp xếp công việc cũng như thời gian hỗ trợ tư vấn điều trị cho F0 tại nhà, BS. Hoàng tâm sự: “Tôi đã thông báo với mọi người về cách thức liên lạc với bác sĩ để thuận tiện nhất trong việc tư vấn. Thứ nhất, tôi công khai số điện thoại cá nhân để ai cũng có thể liên hệ khi cần. Thứ hai, hãy nhắn tin trình bày sơ lược về nội dung cần hỏi. Ngoài ra, cố gắng chuẩn bị mọi thông tin cần biết và sẵn sàng trả lời các câu hỏi của bác sĩ. Sau đó, tôi sẽ chủ động liên lạc lại với tất cả các bệnh nhân để tư vấn. Trong trường hợp khẩn cấp, bệnh nhân có thể gọi điện cho bác sĩ bất cứ lúc nào”. 

    Bình tĩnh sống - “‘Em dương tính rồi, bây giờ phải làm sao?” (Hình 4).

    BS. Hoàng tâm niệm chỉ cần bệnh nhân cần hỗ trợ thì mình luôn sẵn sàng giúp đỡ.

    Bên cạnh đó, BS. Hoàng cũng sắp xếp, phân chia công việc theo từng khung giờ trong ngày. “Buổi sáng, trên đường đi làm, tôi không phải lái xe và dùng thời gian đó để trả lời tin nhắn, gọi điện tư vấn cho F0. Sau khi hoàn thành công việc điều trị cho bệnh nhân offline của mình, tôi tiếp tục dành 1-2 giờ buổi sáng hỗ trợ cho các bệnh nhân đã liên hệ. Trung bình, mỗi ngày tôi dành 4-5 giờ cho việc hỗ trợ tư vấn, điều trị F0 tại nhà. Trong một tiếng tôi có thể tư vấn cho khoảng 30 bệnh nhân. Nhìn chung, việc hỗ trợ tư vấn điều trị cho F0 không gây ảnh hưởng gì đến công việc thường ngày của tôi”, BS. Hoàng nói.

    Với BS. Hoàng, công việc hỗ trợ tư vấn, điều trị miễn phí cho F0 xuất phát từ trách nhiệm của một bác sĩ và nỗ lực vì cộng đồng. Trong tâm thế ấy, anh luôn làm việc tận tâm, hết mình vì bệnh nhân.

    “Bản thân tôi tâm niệm rằng chỉ cần bệnh nhân cần hỗ trợ thì mình luôn sẵn sàng giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng, đây là một cuộc chiến lâu dài và mình cần chiến đấu bền bỉ cũng như có cách làm phù hợp. Tôi luôn lên kế hoạch, sắp xếp thời gian để việc tư vấn cho bệnh nhân không ảnh hưởng đến công việc thường ngày và bản thân không phải làm việc quá sức. Có vậy thì mới duy trì được lâu và đem hiệu quả tích cực. Đối với tôi, làm gì cũng cần tận tâm và tuyệt đối không “đánh trống bỏ dùi”, BS. Hoàng chia sẻ nguyên tắc làm việc của mình.

    Khoảng 25.000 F0 cách ly, điều trị tại nhà

    Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 11/10 đến nay, Hà Nội có hơn 55.800 ca mắc COVID-19 mới (trung bình gần 635 ca/ngày), trong đó có hơn 18.600 ca ngoài cộng đồng (hơn 33%).

    Hiện, Hà Nội có hơn 35.000 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có khoảng 25.000 F0 cách ly, điều trị tại nhà (chiếm hơn 70%); số còn lại điều trị tại các bệnh viện Trung ương, bệnh viện của Hà Nội, cơ sở thu dung điều trị Covid-19 của thành phố và của các quận, huyện.

    Thu Lan

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU