Những ngày cận Tết, công nhân tại các lò gốm trong làng gốm Tân Hạnh trở nên tất bật hơn thường ngày để làm hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Anh Đoàn Văn Lâm (chủ doanh nghiệp gốm Đồng Thành) cho biết, mỗi ngày lò gốm của anh phải sản xuất từ 500-600 sản phẩm để kịp phục vụ các đơn hàng Tết. Năm nay, số lượng đơn hàng có nhỉnh hơn đôi chút so với các năm trước.
Sản phẩm gốm chủ lực tại đây là dòng chậu cây kiểng, với kỹ thuật chế tác tinh xảo, nước men đặc trưng, đa dạng màu sắc. Gốm Tân Hạnh được rất nhiều người ưa chuộng, sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Theo các thợ làm gốm, công đoạn đầu tiên để cho ra đời một sản phẩm là tạo hình theo khuôn có sẵn. Công đoạn này thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng thật ra cũng rất khó và quan trọng. Nếu đóng khuôn không chuẩn, toàn bộ các sản phẩm làm ra đều sẽ bị lỗi. Vì vậy, người thợ phải vô cùng tỉ mỉ, cẩn thận.
Sau khi được tạo hình từ đất sét, các chậu gốm sẽ được phơi khoảng 2 tiếng cho khô, trước khi được đưa đến công đoạn tiếp theo.
Sau khi phơi khô, các chậu gốm sẽ được kiểm tra, xử lý lại các chi tiết cho láng mịn trước khi được tráng men.
Hiện nay, đa số các chậu gốm được tạo hình và chuốt trên bàn xoay tự động, giúp việc chế tác thuận tiện hơn rất nhiều.
Sau khi được chuốt lại, các chậu gốm sẽ được đưa đi tráng men. Nước men được pha theo công thức riêng, tùy theo từng màu sắc mà khách hàng ưa chuộng.
Sau khi được tráng men, các chậu gốm sẽ được nung nhiều giờ trong lò nung với nhiệt độ lên tới 1165 độ C. Trước đây, các lò nung ở Tp.Biên Hòa thường đốt bằng củi. Tuy nhiên, việc đốt bằng củi sau này không được cho phép do gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy nhiều lò gốm đã chuyển sang nung bằng khí gas.
Anh Đoàn Văn Lâm cho biết, ngoài những sản phẩm được sản xuất công nghiệp hàng loạt, sản phẩm đặc trưng và cũng được nhiều khách hàng ưa chuộng tại đây là các sản phẩm gốm được làm hoàn toàn thủ công, với hoa văn, họa tiết tinh xảo.
Các hoa văn, họa tiết trên gốm được các thợ lành nghề đắp nổi, vẽ trực tiếp lên gốm. Đây là những sản phẩm đặc trưng, thường chỉ làm theo yêu cầu riêng của khách.
Những người thợ lâu năm với tay nghề cao tạo hình các họa tiết trên gốm. Do đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ thuật vẽ điêu luyện, mỗi ngày một thợ chuyên nghiệp vẽ được từ 6-8 tác phẩm. Các sản phẩm làm ra đều khác nhau, tạo nên giá trị của dòng gốm này.
Sau khi hoàn thành, các chậu gốm được tráng men. Do các hoa văn, họa tiết thường cầu kỳ, việc trang men cho các chậu gốm này cũng phải dùng nhiều loại men với nhiều màu sắc khác nhau, yêu cầu độ tỉ mỉ rất cao.
Các sản phẩm sau khi được nung sẽ lên màu men vô cùng đẹp. Theo anh Lâm, dòng sản phẩm này đa số được xuất đi nước ngoài.
Một chậu gốm với kích thước “khủng”, có chiều dài gần 2m, được khách hàng đặc riêng với họa tiết là bức tranh Bát tiên. Chậu gốm này được làm thủ công hoàn toàn, để hoàn thành phải mất đến gần 20 ngày. Những chậu gốm được đặt riêng như thế này thường có giá trị rất cao.
Một lô chậu gốm vừa mới ra lò với nước men màu xanh ngọc vô cùng đẹp mắt. Toàn bộ lô hàng này đều sẽ được xuất ra nước ngoài.
Theo anh Lâm, đã có những thời điểm việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, hàng làm ra tồn kho nhiều do không thể xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện tại tình hình đang dần khởi sắc, đời sống anh em công nhân cũng ổn định hơn. Một số người trước đây bỏ nghề nay đã quay lại.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/dong-nai-lang-gom-tan-hanh-tat-bat-dip-tet-a587897.html