Tại Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”, ông Lê Anh Trung – Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding cho biết, đối với vụ mùa tại Đắk Lắk năm nay, Tập đoàn Vạn Hoà đã có cam kết sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng với các đối tác và khách hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, với mức giá sầu riêng tăng quá cao như hiện nay, một số đối tác, khách hàng đã có động thái muốn cắt giảm đơn hàng.
Ông Trung nhận định, đối với khu vực miền Tây, tình hình không biến động như tại khu vực miền Đông và Tây Nguyên do người nông dân tại đây có nghề và am hiểu về sầu riêng. Việc liên kết sản xuất ngày xưa chỉ diễn ra với thương lái và vựa thu mua nhỏ lẻ, nhưng hiện nay nông dân có thể liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Liên quan đến việc tranh mua, tranh bán, bẻ cọc, ông Trung nhấn mạnh thực trạng đối tác nước ngoài rất “vui mừng” khi chia rẽ được các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ để chúng ta không bao giờ liên kết được với nhau.
“Mình phải có tầm nhìn rằng trong khu vực Đông Nam Á có bao nhiêu quốc gia được xuất khẩu sầu riêng. Nếu doanh nghiệp Việt Nam cứ tự đấu đá, cạnh tranh với nhau như hiện nay thì sẽ dẫn đến tình trạng chưa kịp lớn đã thất bại trên sân nhà”, ông Trung bộc bạch.
Với khó khăn trên, ông Trung nêu một số giải pháp trong thời gian tới. Ông đề xuất các cơ quan chức năng, Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk sẽ tổ chức tuyên truyền để người dân biết giá trị thực sự của quả sầu riêng. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, tập huấn thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng cho tất cả bà con nông dân. Từ đó, mới ổn định giá cả, chất lượng, giúp cho doanh nghiệp và người nông dân an tâm sản xuất, thu mua, như vậy thì ngành sầu riêng mới phát triển được bền vững và lâu dài.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Chiến – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk thẳng thắn bày tỏ “chưa an tâm” về tính bền vững trong công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng.
Từ đó, ông Chiến cũng nêu ra văn khoăn trước thực tế hiện nay việc tranh mua, tranh bán diễn ra thường xuyên. “Các doanh nghiệp trong nước đang đánh nhau và tự thua trên sân nhà”.
Ngoài ra, ông Chiến cũng nêu ra 2 thực trạng khác tại diễn đàn. Thứ nhất, một số đơn vị đứng chủ mã số vùng trồng nhưng chưa mua được sản phẩm từ mã số. Tuy nhiên, từ các mã vùng trồng này, một số đơn vị vẫn làm thủ tục xuất khẩu bình thường.
Thứ hai, những mã số vùng trồng được làm chuẩn như nhật ký ghi chép, theo dõi, giám sát sinh vật gây hại… thì giá bán cũng ngang bằng, thậm chí thấp hơn những đơn vị khác.
Do các vấn đề trên nên các thành viên HTX Tân Lập Đông mới chỉ đồng ý bán khoảng 20% sản lượng trong tổng số 1.400 tấn. Cùng với đó, HTX vấp phải tình trạng rất nhiều thương lái đến hỏi mua sầu riêng mà không quan tâm đến mã số vùng trồng.
“Tôi hỏi tại sao sản phẩm đi xuất khẩu mà không quan tâm đến mã số, thì họ vỗ vai nói là việc mua bán mã số vùng trồng giờ quá đơn giản”, ông Chiến bức xúc.
Thông qua diễn đàn, Giám đốc HTX Tân Lập Đông đề nghị các cơ quan quản lý kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn nữa việc cấp, quản lý mã số vùng trồng. Theo ông Chiến, có những đơn vị “không cần làm gì” mà vẫn tham gia vào chuỗi cung ứng. Cụ thể, doanh nghiệp trả giá nào, họ sẵn sàng trả cao thêm 2 giá (2.000 đồng/kg) để mua từ người dân.
Từ đó, ông Chiến mong muốn cơ quan quản lý, HTX và doanh nghiệp liên kết chặt chẽ hơn nữa, để thực hiện tốt mảng tiêu thụ sầu riêng, sau khi đã tổ chức sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-sau-rieng-chua-kip-lon-da-that-bai-trong-san-nha-a625797.html